Các trường đại học của xứ Wales có chất lượng đẳng cấp thế giới, 4 trong 8 trường tại đây nằm trong số 500 trường đại học hàng đầu thế giới. Theo Khung báo cáo chất lượng nghiên cứu (REF 2014), các trường đại học của xứ Wales có tỷ lệ các nghiên cứu 'hàng đầu thế giới' cao nhất Vương quốc Anh.
Tạo bộ phận giả trong phẫu thuật Y khoa
Nhóm Phẫu thuật & Thiết kế các bộ phận giả tại Trung tâm Thiết kế và Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Cardiff Metropolitan, đã nghiên cứu sản xuất các thiết bị sử dụng trong phẫu thuật tái tạo bề mặt vào năm 2015. Công trình nghiên cứu đã đoạt giải Queen’s Anniversary danh giá thuộc hệ thống các giải thưởng cấp quốc gia của Vương quốc Anh.
Nghiên cứu này đã thúc đẩy việc sản xuất nhanh chóng các thiết bị dùng trong phẫu thuật. Đồng thời, nó cũng đem lại lợi ích trực tiếp trong việc chế tạo chân tay giả cho bệnh nhân; cải thiện độ chính xác khi sử dụng phương thức mô phỏng trong đào tạo phẫu thuật và các ứng dụng khác trong công tác giáo dục.
Ngoài ra, trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, ĐH Cardiff Metropolitan còn có một số nghiên cứu nổi bật như dùng robot để xác định các triệu chứng của virus Corona nhằm giảm thiểu sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh và tình trạng khan hiếm thiết bị bảo hộ (PPE) cùng nhiều nghiên cứu dài hạn bao gồm: đánh giá tác động xã hội của đại dịch, hỗ trợ chuyên môn cho ngành công nghiệp thực phẩm và phát triển một chương trình nghiên cứu cải thiện hiệu suất để hỗ trợ các công ty xứ Wales trong quá trình phục hồi sau Covid.
Nghiên cứu về kích cỡ chất thải nhựa động vật có khả năng ăn phải
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications vào ngày 27/3. Đây là lần đầu tiên một nhóm các nhà khoa học tại Đại học Cardiff phát triển phương pháp dự đoán kích thước của chất dẻo các loài động vật khác nhau có khả năng ăn phải. Các nhà khóa học báo cáo rằng chiều dài của một con vật có thể được sử dụng để ước tính miếng nhựa lớn nhất nó có thể ăn. Con số này bằng khoảng 5% so với kích thước của con vật.
Các nhà nghiên cứu nói rằng khi vấn đề ô nhiễm nhựa ngày càng leo thang, việc có thể nhanh chóng đánh giá nguy cơ của nhựa đối với các loài khác nhau trên thế giới là rất quan trọng. Công trình này có thể giúp các nhà khoa học đo lường nguy cơ ô nhiễm nhựa đối với hệ sinh thái và nguồn cung cấp thực phẩm và ảnh hưởng đối với sức khỏe con người.
Hơn hết, ĐH Cardiff cũng như các trường đại học khác của xứ Wales đều dành một khoản đầu tư lớn mỗi năm để xây dựng chiến lược nghiên cứu, nâng cao cơ sở vật chất và tạo có hội cho sinh viên phát huy thế mạnh nghiên cứu.
Trong đó, Chương trình Cơ hội Nghiên cứu cho sinh viên ở bậc Đại học Cardiff (CUROP) tạo điều kiện giúp các bạn sinh viên tham gia vào nhóm nghiên cứu trong quá trình nghỉ hè để tích lũy kinh nghiệm làm việc, được trả lương theo giờ, trong tối đa tám tuần. Khi tham gia các dự án nghiên cứu, sinh viên có cơ hội để lấy mẫu nghiên cứu trực tiếp, nâng cao kỹ năng học tập và tìm ra đường hướng cho việc tiếp tục nghiên cứu ở cấp độ sau đại học.
Nghiên cứu về hành vi chia sẻ thông tin sai lệch trên mạng xã hội về Covid 19
Không nằm ngoài cuộc đua tìm ra giải pháp cải thiện chất lượng y tế, cuộc sống... trong Covid-19, các nhà khoa học của ĐH Cardiff khai thác khía cạnh hành vi của con người tại thời điểm đại dịch.
Giáo sư Kate Daunt, người dẫn đầu cuộc phân tích, cho biết: "Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp thông tin chi tiết về các yếu tố khiến một người có nhiều khả năng chia sẻ thông tin sai lệch về Covid-19, cũng như vai trò trung tâm của mạng xã hội đối với cuộc sống của mọi người".
Nghiên cứu chỉ ra nhóm những đối tượng thường xuyên chia sẻ (super-shared) chiếm 6% người dùng mạng xã hội và có nhiều khả năng chịu trách nhiệm cho việc đã phát tán thông tin sai lệch về Covid-19. Việc các thông tin sai lệch, chưa được kiểm chứng được chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của người dân vào các nhà khoa học, chuyên gia và các chính sách y tế.
Xét nghiệm chẩn đoán nhanh Covid-19
Vào tháng 4, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu trở thành một cuộc khủng hoảng trên toàn cầu, các học giả của ĐH South Wales đã nỗ lực phát triển các công cụ mới để ngăn chặn sự lây lan của virus bằng các tạo ra một thử nghiệm chẩn đoán nhanh cho Covid-19. Từ đó, phát hiện người dân có nhiễm virus SARS-CoV-2 tiềm ẩn hay không.
Bộ xét nghiệm nhanh Covid-19 là thiết bị xét nghiệm tại hiện trường với giá cả phải chăng, dễ sử dụng, hoạt động dựa trên phản ứng phân tử cơ bản và phù hợp để các bác sĩ y tế sử dụng để chẩn đoán hoặc sàng lọc Covid-19.
Bà Llinos Spargo, đại diện ĐH South Wales, cho biết, trường đang làm việc với các đối tác sản xuất địa phương để đảm bảo sản phẩm có sẵn trên quy mô lớn và có khả năng sản xuất số lượng thiết bị không giới hạn và đạt hàng nghìn thử nghiệm mỗi tuần. "Chúng tôi cũng đang trong quá trình tạo các tệp dữ liệu khoa học và lâm sàng sử dụng để MHRA, tổ chức phê duyệt các thiết bị y tế ở Vương quốc Anh, chấp thuận và đánh dấu phù hợp với sức khỏe - CE cho thiết bị này", bà Llinos nói thêm.
Ngăn ngừa tự tử trong đại dịch
Đây là nghiên cứu của các nhà khoa học tại ĐH Swansea. Giáo sư Ann John, Phó Hiệu trưởng Trường Y - Đại học Swansea, và 42 học giả từ khắp nơi trên thế giới đã thành lập Tổ chức Hợp tác quốc tế Nghiên cứu Phòng chống tự tử trong thời Covid-19. Chia sẻ trên tờ The Lancet Psychiatry, đại diện tổ chức cho biết, nếu có hành động ngăn chặn kịp thời, số ca tự tử trong đại dịch sẽ giảm thiểu.
"Những hành động này bao gồm: Hỗ trợ những người cô đơn, dễ bị tổn thương và cả những người ở tuyến đầu, những người trẻ tuổi, tang quyến; báo cáo truyền thông và đưa ra chính sách kinh tế có trách nhiệm", Giáo sư Ann John bổ sung.
Ngoài ra, các tác giả cũng đưa ra một số ví dụ về các biện pháp can thiệp khác như: Phát triển các lộ trình chăm sóc rõ ràng cho những người có xu hướng tự tử; đánh giá sức khỏe tâm thần từ xa hoặc thông qua kỹ thuật số; đào tạo nhân viên để hỗ trợ cách làm việc mới, đường dây trợ giúp; cung cấp mạng lưới tài chính an toàn và các chương trình thị trường lao động...
Bên cạnh đó, ĐH Swansea có rất nhiều nghiên cứu nổi bật khác. Trường đạt vị trí 23 trong Báo cáo Đánh giá chất lượng nghiên cứu (REF) của Vương Quốc Anh vào năm 2014 với 90% nghiên cứu của ĐH Swansea được đánh giá là xuất sắc trên toàn thế giới.
Đại diện của ĐH Swansea, ông Yeng Ho, Giám đốc Marketing và Truyền thông, cho biết, để tạo ra những nghiên cứu xuất sắc, chúng tôi xây dựng môi trường và văn hóa nghiên cứu giàu tính khuyến khích, phát triển toàn diện mọi mặt. Môi trường đó sẽ giúp cộng đồng các nhà nghiên cứu thể hiện tiềm năng và đạt nhiều thành tích trong sự nghiệp.
Nghiên cứu về sự hiệu quả của nhãn cảnh báo rượu
Trường Kinh doanh Bangor thuộc ĐH Bangor có thế mạnh nghiên cứu ở 3 lĩnh vực: Phương pháp luận phát triển và sáng tạo, Truyền thông, Luật và Quản trị. Trong đó, Liệu nhãn cảnh báo rượu có hiệu quả? là nghiên cứu của Giáo sư Tâm lý Người tiêu dùng - Louis Hassan và Giáo sư Marketing - Edward Shiu. Nghiên cứu thực hiện từ năm 2019 đến nay.
Các nhà nghiên cứu trong nhóm này đã xác định 15 bài báo (từ 2000 đến 2015) để đánh giá hiệu quả của nhãn cảnh báo rượu. Họ nhận ra có một số vấn đề gây khó khăn trong việc xác định liệu nhãn cảnh báo rượu có hiệu quả hay không.
Thứ nhất, hầu hết các nghiên cứu trước đây về các nhãn cảnh báo của Mỹ đều không hướng đến việc điều chỉnh hoặc giảm tiêu thụ rượu.
Thứ hai, các nghiên cứu được báo cáo trong tài liệu đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu khác nhau nên không thể so sánh trực tiếp.
Hiện, kết quả của nghiên cứu vẫn chưa được công bố. Nhóm tác giả đang gấp rút làm việc để viết báo cáo cuối cùng. Hai giáo sư đang tiến hành nghiên cứu trọng tâm một số nhóm, lập bản đồ chủ đề và tiến hành một số thử nghiệm để đánh giá xem liệu các loại thông điệp khác nhau với các chủ đề khác nhau có giúp điều chỉnh hành vi uống rượu của sinh viên theo như hướng dẫn uống rượu an toàn của chính phủ hay không. Do đó, công trình này được đánh giá là nghiên cứu lớn với nhiều giai đoạn và kỳ vọng tìm ra nhiều giải pháp hiệu quả.
Nhật Lệ
Nhằm giúp các bạn học sinh, sinh viên hiểu rõ hơn về du học xứ Wales, VnExpress cùng Hội đồng Anh tại Việt Nam (British Council) xây dựng chuyên mục Du học xứ Wales (Study in Wales), cung cấp các thông tin chính xác về chính sách học bổng, chất lượng giảng dạy, môi trường học tập, cuộc sống... tại vùng đất này.
Đặc biệt, trong năm 2020, xứ Wales sẽ cấp 7 suất học bổng của chính phủ Anh Chevening – Wales dành riêng cho các ứng viên Việt Nam và 24 suất học bổng Global Wales cho ứng viên Việt Nam cùng một số quốc gia khác khi ứng tuyển chương trình này và chọn học tại các trường đại học xứ Wales.