Michael Tompkins, nhà tâm lý học của trung tâm Trị liệu nhận thức khu vực Vịnh San Francisco (Mỹ) cho biết rất ít người thực sự trải nghiệm một cuộc sống không lộn xộn.
Dù một số người có thể coi bừa bộn là dấu hiệu của sự lười biếng, thực tế có nhiều lý do, trong đó có lý do sức khỏe tâm thần.
Bạn có thể bị ADHD
Terry Matlen, nhà trị liệu tâm lý và tác giả cuốn sách "Nữ hoàng phân tâm", cho biết vô tổ chức là một trong những ''triệu chứng đặc trưng'' của chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).
Điều này gồm gặp khó khăn khi lập kế hoạch, bắt đầu và hoàn thành nhiệm vụ cũng như các vấn đề về trí nhớ.
''Khi gặp khó khăn với trí nhớ, bạn sẽ khó thực hiện từ đầu đến cuối một số nhiệm vụ nhất định. Điều đó có nghĩa bạn dễ dàng bị phân tâm'', chuyên gia Tompkins nói.
Ví dụ, khi bạn bước vào nhà, bạn có thể bị phân tâm vì con chó chạy tới quấn lấy. Bạn đặt chìa khóa xuống ghế thay vì để đúng nơi quy định.
Matlen cho biết, người mắc chứng ADHD cũng choáng ngợp trước các bước liên quan đến việc hoàn thành nhiệm vụ, dẫn đến ngừng hoạt động và không thể quản lý được sự lộn xộn. Ví dụ, bạn có thể đang đọc một cuốn tạp chí, sau đó nhận ra quên dọn bát đĩa cho bữa tối và quần áo để trong máy giặt nhiều ngày.
Natalie Christine Dattilo, nhà tâm lý học và giảng viên tại trường Y Harvard, cho biết người mắc chứng ADHD khó thực hiện những nhiệm vụ ít quan tâm hoặc không có thời hạn. Các công việc gia đình như gấp đồ giặt hay cất bát đĩa thường rơi vào loại đó.
Bạn đang gặp chứng trầm cảm hoặc lo lắng
Dattilo giải thích, trạng thái không gian vật lý của chúng ta phản ánh trạng thái tinh thần. Ngôi nhà có thể bừa bộn vì tinh thần chúng ta bất ổn, thiếu tổ chức hoặc đơn giản là quá kiệt sức.
Một người đang bị trầm cảm có thể thấy kém năng lượng và động lực. ''Động lực của chúng ta đến từ một phần não dự đoán phần thưởng và khi chúng ta chán nản, phần não đó ngừng hoạt động một cách hiệu quả'', Dattilo nói.
Điều ngày gây cảm giác thờ ơ, khiến tạo năng lượng cần thiết để bắt đầu một nhiệm vụ khó khăn như sắp xếp, dọn dẹp càng trở nên khó khăn hơn.
Tompkins cho biết trầm cảm và lo lắng cũng có thể gây khó tập trung, khiến nhiệm vụ nhỏ trở nên quá sức.
Ngoài ra, các nghiên cứu chỉ ra sự bừa bộn trong nhà có thể do mức cortisol, loại hormone gây căng thẳng cao. Vì vậy, cảm giác chán nản hay lo lắng không chỉ ảnh hưởng đến chúng ta mà một ngôi nhà bừa bộn còn có thể khiến ta căng thẳng và choáng ngợp hơn.
Bạn có thể trải qua giai đoạn chuyển tiếp căng thẳng
Những thay đổi lớn trong cuộc sống có thể gây căng thẳng và ảnh hưởng đến khả năng quản lý sự bừa bộn của mọi người, ngay cả một người ngăn nắp.
Theo Tompskins, nếu một người gặp phải tác nhân gây căng thẳng tâm lý xã hội, có thể làm giảm khả năng đối phó của họ. Bởi họ căng thẳng nên không ưu tiên làm việc nhẫn.
Matlen cho biết, việc có con có thể là quá trình chuyển đổi đặc biệt khó khăn, nhất ;à với người mắc chứng ADHD. ''Giờ đây, bạn không chỉ có người khác để chăm sóc khi việc chăm sóc bản thân còn đang khó khăn, mà còn chịu nhiều cú sốc khác như con khóc, đòi hỏi, lộn xộn, lập kế hoạch bữa ăn và thói quen'', Matlen nói.
Một số quá trình chuyển đổi cuộc sống khác có thể gặp khó khăn như: bắt đầu học đại học, chuyển đến sống cùng người yêu, kết hôn, ly hôn, đối phó với những thay đổi nội tiết như tiền mãn kinh và mãn kinh.
Bạn gặp khó khăn khi dọn dẹp
Joseph Ferrari, giáo sư tâm lý học tại đại học Depaul cho biết, dọn dẹp có thể gây căng thẳng về mặt cảm xúc, nó có thể do gợi nhắc lại quá khứ.
Ví dụ: Dọn dẹp hoặc sắp xếp những món đồ như cốc lưu niệm, vé xem hòa nhạc hoặc quà lưu niệm có thể mang lại những kỷ niệm đầy cảm xúc.
"Bạn nhặt món đồ đó lên và nói, 'Ồ, tôi nhớ chuyến đi đó. Ồ, tôi nhớ người đó rồi." Nó có thể mang lại những cảm xúc tích cực, vì vậy bạn không muốn loại bỏ nó", Ferrari nói. Ngược lại, nếu những món đồ mang lại cảm xúc tiêu cực, bạn lại đặt nó xuống, không có động lực để giải quyết chúng.
Bạn có tính cách thoải mái
Tính cách đóng vai trò quyết định mức độ ngăn nắp của bạn, đặc biệt khi nói đến sự tận tâm.
Dattilo nói những người tận tâm thường có mức độ ngăn nắp, trách nhiệm và kỷ luật tự giác cao. Những người thiếu tận tâm dễ dãi hơn, mất trật tự và ít hướng tới mục tiêu hơn.
Những người có sự tận tâm thấp có thể gặp khó trong duy trì một không gian ngăn nắp. Tuy nhiên, họ lại ít bận tâm đến sự bừa bộn,
Bạn thiếu quyết đoán
Ferrari cho biết, nhiều người bừa bộn thường thiếu quyết đoán. Vì do dự, mọi người thường không đưa ra lựa chọn.
Nếu không muốn đưa ra quyết định về nơi để những món đồ nhất định hoặc nên cho đi hay giữ lại chúng, bạn sẽ né tránh, khiến tình trạng lộn xộn không thay đổi.
Làm thế nào biết lộn xộn là vấn đề
Hầu hết mọi người đều trải qua ít nhất vài lần lộn xộn. Nhưng làm sao để biết nó là vấn đề?
Ferrari cho biết sẽ có điểm bùng phát khi bạn có quá nhiều và điều đó tạo ra cuộc sống hỗn loạn.
Ông và Catherine Roster, giáo sư đại học New Mexico, xem xét bốn lĩnh vực khi đo lường mức độ bừa bộn (hay "sự dư thừa của cải"): Sự bừa bộn có khiến bạn đau khổ, ảnh hưởng đến khả năng sống trong không gian của bạn, gây thiệt hại về các mối quan hệ của bạn hoặc làm tổn hại đến hạnh phúc tài chính của bạn?
Tompkins ví dụ nếu bạn đến trễ cuộc hẹn vì không tìm thấy bàn chải đánh răng và quần áo sạch để mặc, điều đó sẽ làm gián đoạn hoạt động sinh hoạt hàng ngày và gây ra căng thẳng.
Ngoài ra, từng có nghiên cứu chỉ ra những ngôi nhà bừa bộn có thể ảnh hưởng đến sự hài lòng của chúng ta với cuộc sống và sức khỏe tổng thể. "Một không gian bừa bộn có thể khiến chúng ta cảm thấy choáng ngợp và lo lắng. Một không gian ngăn nắp có thể khiến chúng ta cảm thấy bình tĩnh và an toàn", Dattilo giải thích.
Nếu bạn cảm thấy mình đang phải vật lộn với sự bừa bộn và mất trật tự, bạn có thể tìm kiếm một nhà tổ chức chuyên nghiệp. Nếu thấy mình mắc một tình trạng sức khỏe tâm thần (như ADHD, trầm cảm hoặc lo lắng), hãy hẹn gặp chuyên gia sức khỏe tâm thần để được đánh giá. Họ có thể chẩn đoán và giúp bạn quyết định phương pháp điều trị tốt nhất.
Hãy nhớ không có cách nào "đúng" để sắp xếp không gian của bạn.
Nếu sự bừa bộn không gây ra vấn đề cho bạn hoặc người khác trong môi trường sống thì đó có thể chỉ là vấn đề về sở thích lối sống.
"Mọi người có khả năng chịu đựng sự lộn xộn khác nhau. Đối với một số người, việc tổ chức quan trọng hơn những người khác... Nhiều khi, vấn đề nảy sinh do ta không chấp nhận mỗi người đều có những khác biệt", Tompkins nói.
Nhật Minh (Theo Huffpost)