Ba loài còn lại là choắt mỏ cong hông nâu, cò trắng Trung Quốc, mòng bể mỏ ngắn. Ông Nguyễn Hoài Bảo, đại diện tổ chức Birdlife International khu vực châu Á, công bố trong tin trên trong hội thảo cấp bách bảo tồn các loài chim di cư tại Việt Nam, do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp tổ chức, sáng 27/5.
Việt Nam nằm trên một trong chín đường bay quan trọng của thế giới với hơn 300 loài chim di cư. Hai bãi đỗ lớn của các loài chim là đồng bằng sông Hồng với vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định), Cát Bà (Hải Phòng) và đồng bằng sông Cửu Long với Tràm Chim (Đồng Tháp), Gò Công (Tiền Giang) và sông Tiền (Tiền Giang, Bến Tre).
Tổ chức Birdlife International đánh giá các loài chim di cư, trong đó có di cư qua Việt Nam, đang bị đe dọa nghiêm trọng do mất sinh cảnh. Hoạt động đô thị hóa, các công trình xây dựng, nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp, nhà máy hóa dầu được xây dựng làm mất môi trường sống, thức ăn của các loài chim di cư.
Ông Bảo lấy ví dụ, trong hai năm trở lại đây nhiều người nuôi trồng thủy sản lo ngại chim ăn cá tôm nên đã giăng lưới khắp cánh đồng khiến nhiều chim chết. Việc phát triển điện gió ven bờ ồ ạt, trùng vào đường bay của chim di cư khiến nhiều loài gặp nạn do va vào cánh quạt.
Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết Việt Nam có 918 loài chim, 12 loài đặc hữu, 9 loài rất nguy cấp, 17 loài nguy cấp, 21 loài bị tổn thương, 44 loài sắp bị đe dọa. Cơ quan này đưa ra năm mối đe dọa với chim hoang dã gồm: Thu hẹp môi trường sống, nơi kiếm thức ăn; nạn săn bắt, bẫy; nạn buôn bán, tiêu thụ; ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.
Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó cục trưởng Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, nhận định ngày càng ít loài chim di cư qua Việt Nam là biểu hiện của mất cân bằng giữa môi trường, phát triển kinh tế và con người. Cơ quan chức năng đang nỗ lực xây dựng các khu bảo tồn đường bay, điểm đỗ cho chim di cư.
"Nước ta hiện có hai điểm dừng chân nằm trong mạng lưới đường bay Australia - Đông Á, trong thời gian tới chúng tôi sẽ rà soát các điểm dừng chân khác để bảo tồn, duy trì môi trường sống cho các loài chim di cư, đặc biệt là ở các vùng đất ngập nước", bà Nhàn nói thêm.
Việt Nam đã cụ thể hóa nỗ lực bảo vệ chim di cư bằng việc lần đầu tiên có một chỉ thị riêng của Thủ tướng về lĩnh vực này (Chỉ thị 04/2022). Theo đó, các bộ ban ngành, UBND các tỉnh theo chức năng đã được giao nhiệm vụ cụ thể trong bảo vệ các loài chim di cư.