Đó là một ngày cuối tháng 9 tại làng Mogocha. Cha con David phải rời đi trước bình minh, bởi visa của hai du khách Australia này chỉ còn chưa đầy một ngày là hết hạn. Phòng xuất nhập cảnh cách ngôi làng khoảng 800 km sẽ đóng cửa vào buổi trưa. Họ phải xử trí thật nhanh để không gặp rắc rối về giấy tờ, hoặc để chuyến bay bị trì hoãn.
Phương án duy nhất để tới nơi kịp thời là bay. Nhưng chiếc phi cơ nhỏ của hai cha con đang bị đóng băng trong tiết trời giá lạnh. "Tôi có Internet và nhắn tin cho một người bạn ở Mỹ. Anh ấy trả lời 'Cậu có ít vodka nào không?'. Tất nhiên rồi! Dung dịch khử băng hiệu quả chính là cồn", David nói.
Ông và Tom lao đến một cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/24 lúc 6h sáng, mua 6 lít vodka loại rẻ nhất và nhanh chóng khởi hành. Họ đã tới văn phòng visa đúng 15 phút trước giờ đóng cửa. Một người bạn Nga giúp họ qua cửa an ninh trong 10 phút và nhờ sĩ quan đóng dấu hộ chiếu kịp thời. Nếu visa quá hạn dù chỉ một giờ, họ có thể mắc kẹt ở Nga trong 10 ngày, chưa kể phải đối mặt với những rắc rối khác về pháp lý và thậm chí hầu tòa. May mắn thay, cha con David xin gia hạn visa thành công, tất cả nhờ 6 lít rượu. "Vodka thực sự đã cứu chúng tôi", ông thở phào.
Câu chuyện này chỉ hé lộ một phần trong vô số thử thách mà David và cậu con trai Tom, 19 tuổi, gặp phải khi lái máy bay vòng quanh thế giới. Họ đặt tên cho chuyến này là "Nhầm đường về Australia" (Wrong Way to Australia).
David, vốn là một bác sĩ gia đình sống tại thị trấn Broome (bang Western Australia), rất tin tưởng vào cậu con trai 19 tuổi trong buồng lái: "Thằng bé đã bay với tôi từ khi nó mới lên hai. Nó biết lái máy bay một mình khi vừa sang tuổi 15, và có bằng từ năm 16 tuổi. Chúng tôi là một đội ăn ý".
Hành trình dài 40.000 km bắt đầu từ bang Colorado, Mỹ, nơi David mua chiếc phi cơ cả đời mơ ước - Cessna A185, máy bay có khả năng hạ cánh linh hoạt. Họ hướng lên vùng trời phía đông bắc tới Greenland, bay qua châu Âu, Nga, Nhật Bản, Philippines và Indonesia trước khi hạ cánh tại vùng viễn bắc bang Western Australia sau hơn một tháng.
Hai cha con phải vượt qua rào cản ngôn ngữ để trao đổi với nhân viên kiểm soát không lưu ở từng vùng bay, tìm nhiên liệu và tránh thời tiết xấu. "Toàn bộ chuyến đi vòng quanh thế giới giống như một cuộc săn tìm kho báu là những bình xăng. Bạn phải giải quyết vấn đề này hàng ngày cho tới khi chạm đích", David nhận định.
Ông tâm sự, bài học lớn nhất của hai cha con chính là giữ cái đầu lạnh và không ngừng tiến về phía trước, không để mình nản lòng trước độ khó của nhiệm vụ phía trước. Một trong những lần cất cánh đáng nhớ nhất là khi họ phải bay lên từ một đường băng quân sự bỏ không ở Nga. Có khi họ phải đuổi những con ngựa hoang khỏi bãi cỏ để cất cánh, hoặc bay lên từ các đường băng nằm ở ven hồ, ẩn mình giữa những rặng núi.
David cho rằng, điều đáng quý nhất của hành trình chính là tấm lòng nồng hậu và tình cảm của những con người họ gặp trên khắp thế giới. "Mọi người ai nấy đều thích những chuyện hài hước, phần lớn họ đều tốt bụng và muốn mọi điều lành đến với chúng tôi. Đó là điều thay đổi cha con tôi mãi mãi, khi nhận ra con người trên khắp thế giới thực ra đều giống nhau", ông nói và nhấn mạnh rằng người Nga đặc biệt nhiệt tình.
Cha con ông còn ấn tượng với những khung cảnh độc đáo ở những miền đất xa xôi. "Chỉ trong một ngày, lái chiếc máy bay một động cơ với vận tốc 240 km/h, bạn sẽ đi từ vùng khí hậu này sang vùng khác một cách nhanh chóng. Thời tiết thay đổi khi địa lý thay đổi", David nói.
"Hành tinh này có 7 tỷ người, và sẽ sớm đạt đến ngưỡng 8 tỷ. Chúng ta đang ở một nơi rất khiêm tốn, một mảnh tí hon trong vũ trụ này. Nghe có vẻ sáo rỗng nhưng thế giới này thực sự rất nhỏ bé, và chúng ta cần phải chăm sóc nó", ông nhắn nhủ.
Bảo Ngọc (Theo ABC)