Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết, quý đầu năm đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ cho 4 doanh nghiệp. Trong khi đó, 6 doanh nghiệp khác trả lại giấy chứng nhận (từ trước đến nay có 75 doanh nghiệp trả giấy chứng nhận) do không còn nhu cầu sản xuất, dẫn đến tổng số được cấp phép còn hoạt động là 480 doanh nghiệp.
Trong số doanh nghiệp còn hoạt động này, có 4 doanh nghiệp gồm Công ty Nữ trang Danish, Công ty Vàng bạc đá quý Kim Hoàng Phát, Công ty Quốc tế Hoàn Thiện và Công ty Xuất nhập khẩu Huỳnh Thái đã thông báo tạm nhập vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm cho hạn ngạch năm nay.
TP HCM hiện có 837 điểm được cấp phép giao dịch mua bán vàng miếng, thuộc 20 tổ chức tín dụng và 12 doanh nghiệp. Số liệu này được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố gửi cho các sở, Cục Hải quan, Quản lý thị trường và Công an TP HCM để phối hợp quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Từ đầu năm đến cuối tháng 4, giá vàng SJC trong nước mua vào tăng hơn 5,2 triệu đồng một lượng. Giá vàng có thời điểm lập đỉnh trong gần chục năm khi vượt 49 triệu đồng.
Lý giải về sức nóng của giá kim loại quý, ông Trần Thanh Hải - Tổng giám đốc Công ty vàng Việt Nam cho rằng một phần do thị trường trong nước "chưa hoàn hảo" khi nguồn cung bị thu hẹp so với trước. Từ khi có Nghị định 24 về việc siết lại hoạt động mua bán vàng miếng, các điểm bán hàng bị hạn chế. "Một khi cầu tăng mà cung hạn chế thị giá sẽ tăng cao bất thường là điều tất yếu", ông Hải nói.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM khẳng định hoạt động mua bán ngoài thị trường vẫn diễn ra bình thường, không có nhiều đột biến. "Giá vàng chủ yếu biến động tăng theo thế giới", vị này nói. Các chủ hiệu vàng bán lẻ và doanh nghiệp cũng cho biết sức mua có tăng nhưng không quá đột biến.
Phương Đông