Dan Hauer (Mỹ) có thời gian sinh sống và làm thầy giáo tiếng Anh tại Việt Nam. Khi trở về Mỹ đón Giáng sinh cùng gia đình, Dan nhớ rất nhiều điều về mảnh đất hình chữ S.
Vòi rửa trong toilet
Mặc dù không chỉ toilet ở Việt Nam, mà Thái Lan, Malaysia và một số nước khác Dan từng đến đều có loại vòi này, nhưng nhiều người Mỹ có thể cảm thấy kỳ cục nếu bạn gợi ý họ dùng vòi xịt sau khi "giải quyết nỗi buồn".
Trước khi đến châu Á năm 2008, Dan vẫn luôn nghĩ cách "dọn dẹp" bằng giấy vệ sinh của người Mỹ là đúng đắn nhất. Nhưng khi Dan biết đến sự tồn tại của vòi xịt toilet, kiểu truyền thống của người Mỹ khiến anh cảm thấy như bị tra tấn.
Dan không rõ mình có thể mua và lắp đặt vòi xịt toilet thế nào khi về Mỹ. Anh tự tìm cách nhưng không thể giống như kiểu ở Việt Nam. Video: Dan Hauer/Học tiếng Anh cùng Dan.
Dùng đũa ăn cơm
Tại nhà hàng Mỹ, trên bàn ăn có dao, dĩa (nĩa) và thìa. Nếu ăn hamburger, bạn không cần dùng tới những món đồ này, tuy nhiên chúng khá vô dụng với salad hay những món ăn có nhiều miếng nhỏ.
Mọi chuyện đơn giản hơn nhiều với một đôi đũa. Dan cho rằng người Mỹ nên sử dụng đũa rộng rãi vì chúng hữu ích trong nhiều trường hợp khác.
Video: Dan Hauer/Học tiếng Anh cùng Dan.
Người ta chỉ có thể thấy đũa trong các nhà hàng Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam, rất khó để tìm một đôi đũa trong bếp của một gia đình người Mỹ. Dan quyết định sẽ tự mang đũa khi dùng bữa ở bất cứ đâu tại Mỹ.
Phục vụ tăm trên bàn ăn
Khi về Mỹ, có lúc Dan bước khỏi nhà hàng với hàm răng dính đầy thức ăn. Không thể tìm thấy tăm trên mọi bàn ăn như ở Việt Nam, Dan quyết định sẽ mang thêm tăm cùng đũa khi đi ăn ở bất cứ đâu tại quê nhà.
"Em ơi!"
Nhiều bạn bè phương Tây của Dan phàn nàn về chất lượng phục vụ của bồi bàn tại các nhà hàng Việt Nam, đặc biệt là miền Bắc nhưng anh rất hài lòng khi có thể đọc to câu thần chú: "Em ơi!".
Tuy nhiên, Dan cho rằng không có cách nào thực sự hiệu quả để thu hút sự chú ý của người phục vụ tại Mỹ, thường anh chỉ có thể ngồi yên và chờ đợi.
Video: Dan Hauer/Học tiếng Anh cùng Dan.
Tại Hà Nội, thực khách chỉ cần gọi to "Em ơi" một vài lần. Người Mỹ không thể gây ồn ào để gọi bồi bàn trong bất cứ nhà hàng nào, hành động này được coi là bất lịch sự.
Đi chân trần trong nhà
Người Mỹ thường đi giày dép từ ngoài đường vào trong nhà.
Video: Dan Hauer/Học tiếng Anh cùng Dan.
Ngay cả trước khi đến châu Á, Dan vẫn không thể hiểu tại sao mọi người không tháo giày khi vào nhà, để giữ sàn sạch sẽ hơn và nhiều người không thể phủ nhận rằng việc này tạo cảm giác thoải mái hơn cho đôi chân.
Dan vẫn luôn đi chân trần trong nhà, dù anh là người duy nhất làm vậy khi sống tại Mỹ. Vì vậy khi tới Việt Nam, anh cảm thấy như về nhà.
Tự kinh doanh
Tại Việt Nam, du khách có thể thấy người dân buôn bán ở khắp mọi nơi nhưng người Mỹ chỉ có thể tìm thấy các cửa hàng ở những khu vực được chỉ định. Dan chỉ ra nguyên nhân cho sự khác biệt này.
Đầu tiên là mật độ dân số. Việt Nam rất đông đúc, các khu dân cư san sát, người ta có thể bán hàng ngay trước cửa nhà và rất nhiều người qua đường sẽ mua. Tuy nhiên, dân cư Mỹ nhìn chung sống khá tách biệt.
Tiếp theo, Dan nhắc đến luật pháp. Người Việt phải thực hiện ít thủ tục hành chính phức tạp hơn người Mỹ khi quyết định kinh doanh, dù là mặt hàng rất đơn giản.
Mặt trái của việc này chính là chất lượng hàng hóa tại Việt Nam không được đảm bảo, người tiêu dùng có thể mua phải hàng giả, hàng nhái, thực phẩm bẩn.
Tuy nhiên, Dan cho biết anh ủng hộ chính sách mở đối với việc kinh doanh tự phát tại bất cứ quốc gia nào, điều đó cho phép nhiều người có cơ hội dấn thân vào lĩnh vực buôn bán hơn.
Khách Tây nói về việc kinh doanh buôn bán trên vỉa hè tại Hà Nội.
Video: Tiến Đạt.
Theo Dan Hauer