Monique Ceccato, blogger du lịch người Australia, đã sống ở Na Uy một năm, cho biết cuộc sống ở đây diễn ra suôn sẻ. Hầu hết người dân đều có thể giao tiếp bằng tiếng Anh cũng như hệ thống giáo dục, y tế công cộng "không có gì phải phàn nàn". Dù vậy, nhiều thói quen trong lối sống, văn hóa của người Na Uy vẫn khiến cô bị sốc khi lần đầu đến thăm.

Monique chụp ảnh cùng bạn trai trong thời gian sống tại Na Uy. Ảnh: News
Không nói chuyện với người lạ
Monique vốn quen nói "Xin chào" khi lướt ngang qua những người đi bộ vào buổi sáng vì điều này được coi như "luật bất thành văn" tại Australia. Nhưng Na Uy không có văn hóa này. Trong một lần đi dạo, cô đã dừng lại vuốt ve một con chó và bắt chuyện với chủ. Tuy nhiên, bạn trai đã nhắc nhở cô ngay lập tức, ngăn không để Monique tiếp tục làm quen. Nữ du khách bị sốc vì không nhận lại được lời bắt chuyện giống ở Australia mà thay vào đó là những ánh nhìn kỳ lạ.
"Người Na Uy không phải không thân thiện. Họ chỉ không thân thiện với người lạ", Monique nói sau khi nhận được bài học. Một trong số ít trường hợp họ chủ động đáp lại lời chào của người lạ là khi đi bộ đường dài và vô tình gặp ai đó.
Không mua sắm vào Chủ nhật
Chủ nhật được coi là ngày nghỉ đúng nghĩa của người dân địa phương khi hầu hết cửa hàng đều ngừng giao dịch hay bán hàng, từ các cửa hàng tạp hóa, quần áo, sách đến đồ gia dụng. Monique nhận xét đây là điều tuyệt vời dành cho người lao động, nhưng lại là ác mộng với khách du lịch. Hiếm hoi lắm nữ du khách mới tìm thấy một quầy hàng mở cửa vào ngày này nhưng diện tích và quy mô hàng hóa đều nhỏ.

Cuộc sống thường nhật ở Na Uy dưới ống kính Monique. Ảnh: News
Không có khái niệm thời tiết xấu
Na Uy nằm ở Bắc Âu, có nhiều vịnh hẹp, sông băng, gần 50.000 đảo lớn nhỏ; giáp Thụy Điển, Phần Lan, Nga và có 4 mùa riêng biệt với mùa đông lạnh vì gần 50% diện tích nằm gần Bắc Cực. Monique cho biết "thật liều lĩnh" khi nói Na Uy không tồn tại khái niệm thời tiết xấu nhưng trên thực tế, người dân ở đây lại rất vui vẻ khi đối diện với thời tiết khắc nghiệt.
Trong hơn một năm sống tại Na Uy, cô chưa bao giờ nghe thấy bất kỳ lời bình luận nào về cái lạnh hay mưa rét. Khi cô phàn nàn vấn đề này với người dân, họ chỉ đáp lại bằng một nụ cười. "Họ hay nói với tôi không có thời tiết tệ, chỉ có quần áo tệ thôi", cô nói. Đó cũng là lý do Na Uy được coi là "thiên đường" của các loại quần áo chống rét. Áo khoác phao, quần chống thấm nước, áo len giữ nhiệt thường chiếm ưu thế trong các cửa hàng và tủ đồ của người dân.
Người dân thích ăn pizza
Cá hồi, thịt cừu hầm bắp cải là những món ăn nổi tiếng của quốc gia này. Nhưng đó chỉ là những món nổi tiếng đối với du khách, theo Monique. Khi sống ở Na Uy, cô ngạc nhiên khi biết người dân thích ăn pizza với phần phủ là thịt bò bằm, ớt chuông, phô mai. Các nhà hàng, quầy bán pizza ở đây cũng nhiều hơn các mặt hàng khác.

Làng chài Nusfjord, hạt Nordland, Na Uy từ trên cao. Ảnh: Đinh Gia Bảo
Coi trọng không khí trong lành với sức khỏe
Với người dân Na Uy, dù thời tiết thế nào, họ vẫn dành thời gian hoạt động ngoài trời như đi bộ đường dài, trượt tuyết, đạp xe để hít thở không khí trong lành. Monique từng sống ở Na Uy trong thời kỳ đại dịch, khi cả thế giới hạn chế tụ tập đám đông, khuyến cáo người dân nên ở trong nhà, chính phủ vẫn kêu gọi người dân ra ngoài vài giờ mỗi ngày để giữ gìn sức khỏe. "Đó là lần cách ly tôi thấy vô nghĩa nhất", Monique nói. Cô cũng cho biết thêm người dân "có niềm tin mạnh mẽ vào sức mạnh chữa lành của thiên nhiên".
Khỏa thân trong phòng thay đồ công cộng
Tại các phòng thay đồ spa, phòng xông hơi khô và hồ bơi, Monique bị sốc nhiều lần khi đẩy cửa bước vào và thấy mọi người đứng đó khỏa thân hoàn toàn. Tuy nhiên, mọi người không hề phản ứng hay hét lên khi đang khỏa thân mà có người lạ bước vào. Người dân quan điểm phòng thay đồ là nơi mọi người ai cũng giống nhau, và họ không cần ngại ngùng che chắn cơ thể cũng như không quan tâm đến người bên cạnh đang làm gì.
Ngoài những cú sốc văn hóa, với Monique, Na Uy là nơi đáng đến vì có rất nhiều trải nghiệm độc đáo như săn bắc cực quang, đi thuyền ngắm vịnh hẹp và lướt sóng dưới ánh Mặt Trời lúc nửa đêm.
Anh Minh (Theo Traveller)