Dưới đây là những điều thường nằm trong kế hoạch của du khách khi tới Hà Nội:
1. Thăm các viện bảo tàng
Hà Nội có 16 viện bảo tàng rải rác khắp các quận nội thành và chủ yếu mở cửa theo giờ mỗi ngày. Để vào tham quan, các du khách phải mua vé theo quy định của từng bảo tàng. Những người ghé thăm chủ yếu là du khách đến từ các quốc gia hay địa phương khác.
2. Đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám vào ngày thường
Được xem là quần thể đa dạng và phong phú bậc nhất ở Hà Nội, Văn Miếu – Quốc Tử Giám hiện nằm trong danh sách 23 di tích quốc gia đặc biệt. Người Hà Nội luôn tự hào và coi Văn Miếu – Quốc Tử Giám như một biểu tượng của thành phố. Dù vậy, không phải lúc nào họ cũng đến thăm quần thể này. Thời điểm tấp nập người dân Hà Nội ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám nhất thường vào ngày đầu năm hoặc ngay trước mùa thi đại học.
3. Thăm Nhà tù Hỏa Lò
Nhà tù Hỏa Lò được xây dựng từ năm 1896 và từng là nơi giam giữ rất nhiều tù nhân chính trị Việt Nam thời Pháp thuộc. Sau năm 1954, Hỏa Lò thuộc quyền quản lý của nước nhà và cũng từng giam giữ các phi công Mỹ nhảy dù, trong đó có Thượng nghị sỹ John McCain.
Ngày nay, Hỏa Lò chỉ còn lại một góc nhỏ làm nơi tham quan cho du khách. Khu vực còn lại là cao ốc thương mại Tháp Hà Nội. Giờ mở cửa tham quan Hỏa Lò từ 8h đến 17h với giá vé 10.000-20.000 đồng. Phần lớn du khách ghé thăm là người nước ngoài.
4. Xem múa rối nước
Ở Hà Nội, địa điểm xem múa rối nước phổ biến nhất là nhà hát múa rối Thăng Long, số 57B phố Đinh Tiên Hoàng. Với nhiều suất biểu diễn trong ngày bắt đầu từ 13h45 đến 21h15, đây thường là điểm dừng chân của rất nhiều du khách. Còn người Hà Nội, hầu như bất cứ ai cũng từng một lần trong đời đặt chân vào nhà hát xem múa rối nước nhưng sau này chỉ trở lại vì những lý do như giới thiệu nét văn hóa hay đưa con cái đến thưởng thức. Giá vé vào rạp hiện dao động trong khoảng 60.000-100.000 đồng.
5. Ngồi xích lô
Từng là phương tiện đi lại phổ biến trong thế kỷ trước, hiện xích lô chỉ còn là nét văn hóa truyền thống Hà Nội và đa phần phục vụ du khách quốc tế. Trên những con phố thủ đô, bóng dáng loại phương tiện này cũng không xuất hiện nhiều. Với cuộc sống hối hả và hiện đại, người Hà Nội nay chủ yếu dùng xe máy hoặc ô tô để đi lại mỗi ngày.
6. Mua nón lá, tranh sơn mài
Dạo bước trên phố cổ Hà Nội, bạn dễ dàng bắt gặp hình ảnh những cửa hàng bán tranh sơn mài với các tác phẩm được thực hiện công phu, độc đáo. Người mua chủ yếu là du khách với mục đích lưu niệm hoặc quà tặng mang đậm nét văn hóa Việt Nam. Với nón lá cũng vậy, đa phần hiện giờ chỉ có du khách quốc tế mua và sử dụng trong hành trình khám phá thủ đô. Trong khi đó, dân Hà Nội hay dùng các loại mũ thời trang và chủ yếu nhất vẫn là mũ bảo hiểm.
Trần Hằng