* Bài tiết lộ tình tiết phim
Phim lên sóng từ 17/7, dài 12 tập, hiện chiếu đến tập 8. Nội dung bắt đầu với tai nạn kinh hoàng, cướp đi sinh mệnh của bảy người nhà bé Thanh Mỹ (Nhã Uyên thủ vai). Thành (Samuel An) - cậu ruột cô bé - thuê Huân (Nhan Phúc Vinh) sắp đặt gia đình giả nhằm giúp cháu chữa lành thương tổn. Tổ hợp thành viên khác biệt xuất thân, tính cách được tuyển chọn. Họ đối mặt không ít mâu thuẫn, thách thức lẫn tình huống dở khóc, dở cười.
Theo nhà sản xuất, Nhà mình lạ lắm! còn thu hút người xem nhờ lồng ghép thông điệp ý nghĩa cùng 6 điểm nhấn:
Chủ đề gia đình mới lạ
Đề tài gia đình không hiếm gặp trong phim truyền hình hiện đại, tuy nhiên biên kịch Nhà mình lạ lắm! tạo khác biệt khi khai thác tấn bi hài kịch xảy ra trong ngôi nhà quy tụ thành viên không chung huyết thông, nhập vai như người thân thật sự.
"Họ có chung nhiệm vụ, nhưng vẫn bộc lộ cái tôi và tính cách khó dung hòa, dẫn đến loạt xung đột, bát nháo. Yếu tố này đem đến những tình huống vừa hài hước, vừa cảm động, thu hút người xem qua từng tập", đạo diễn cho hay.
Mỗi tập là một câu chuyện
Nhà sản xuất cho biết 12 tập là 12 chủ đề, xoay quanh một nhân vật cụ thể. Khán giả được chứng kiến mâu thuẫn giữa các thành viên, hiểu nguyên nhân sâu xa dẫn tới chuyển biến tâm lý, cách hành xử của họ.
Theo biên kịch, cấu trúc trên giúp khán giả nắm rõ bức tranh tổng thể, dễ dàng khám phá nội tâm từng nhân vật. Điển hình tập 2 xoay quanh người mẹ giả - Hương (Lưu Huyền Trang), khán giả hiểu lý do Hương khó mở lòng, yêu thương con trẻ. Với chủ đề "người hùng", tập 5 xoay quanh vai bố giả - Hải (Tuấn Tú), người xem có dịp đồng hành Hải tìm lại bản lĩnh, sự tự tin vốn có.
"Với format và cách chăm chút từng góc quay, êkíp hy vọng khán giả thưởng thức Nhà mình lạ lắm! tại nhà tương đương chất lượng điện ảnh ở rạp", đại diện K+ cho hay.
Không có nhân vật phụ
Nửa chặng đầu, biên kịch khắc họa chân dung, tính cách và diễn biến tâm lý từng nhân vật. Những mảnh ghép cuộc đời cùng sự thật dần được hé lộ, khiến người xem tò mò tập tiếp theo.
Dự án quy tụ dàn sao thực lực như NSND Kim Xuân (bà ngoại Lệ), NSND Trung Anh (ông ngoại Hùng), Nhan Phúc Vinh (chú Huân) và nhóm nghệ sĩ trẻ như Lê Bống (chị gái Hà Giang), Samuel An (cậu Thành)... Ai cũng có đất diễn riêng, tạo cảm giác không có nhân vật phụ.
Chăm chút lời thoại
Bên cạnh tiếng cười đơn thuần, biên kịch chú trọng lời thoại đa tầng nghĩa. Trong một phân cảnh ở tập 5, chú Huân nói với ba Hải: "Nếu âm nhạc từng khiến ông anh chịu nhiều đòn roi, đau đớn, vậy ông anh hãy dùng nó để xoa dịu tinh thần, ôm ấp, vỗ về đứa trẻ được không?".
Khi đang tranh đấu nội tâm, ba Hải nhận được lời khuyên: "Người ta thường nói đàn ông chỉ là những đứa trẻ to xác, mãi không chịu trưởng thành. Nhưng tôi nghĩ khác, họ chỉ trưởng thành khi thật sự muốn".
Trên các diễn đàn, khán giả cho rằng lời thoại đôi khi tạo mảng miếng hài, lắm lúc khiến họ phải suy nghĩ, đồng cảm cùng nhân vật.
Gia đình giả, tình thật
Theo đạo diễn, qua từng tập, các thành viên chắp vá không còn phải "diễn" cảnh thân thiết, thay vào đó dần dần xích lại gần nhau, yêu thương và hỗ trợ mọi vấn đề cuộc sống.
Trong tập 6, sự đoàn kết, ăn ý giúp gia đình giả đoạt giải nhất ở cuộc thi, dù chiến thắng này không đem đến niềm vui như dự kiến.
Biên kịch cũng gợi mở chuyện tình thú vị trong nửa còn lại, nhất là cặp "ba" Hải - "mẹ" Hương và cặp "chú" Huân - "cháu gái" Giang.
Tuyển chọn nhạc nền
Êkíp chú trọng ba yếu tố: hình ảnh, nội dung và âm nhạc. Trong đó, nhạc nền là chất xúc tác, đẩy cảm xúc khán giả lên cao trào và giúp họ hiểu thêm về nhân vật.
Ấm áp lạ kỳ, Đi và đi - hai ca khúc chủ đề - có giai điệu bắt tai, đài từ lột tả tâm lý nhân vật. Ngoài ra, bài hát phụ về đề tài gia đình cũng góp phần kết nối khán giả với dự án.
4 tập còn lại tiếp tục hé lộ những câu chuyện, bí mật sau lớp vỏ bọc mỗi nhân vật. Phim chiếu lúc 20h thứ 2,3 hàng tuần trên K+Cine và App K+, độc quyền trên mọi nền tảng K+. Đăng ký tại đây.
Hiếu Châu