Nhận định tổng quan về các công trình, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Thanh, Giảng viên khoa Thương mại du lịch, trường đại học Kinh tế Đà Nẵng, cho biết: "Các công trình hầu hết đều mang tính cấp thiết và hiệu quả ứng dụng cao, phương pháp nghiên cứu phù hợp như việc khảo sát địa bàn, phỏng vấn chuyên sâu, tiến hành điều tra thực địa. Việc lập luận khi thực hiện nghiên cứu khá chặt chẽ".
Nhóm công trình khối ngành kinh tế vào chung kết gồm: "Nghiên cứu các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi hành vi tiêu dùng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng Việt Nam" của đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội; "Phương thức quảng cáo qua các cuộc thi trực tuyến tại TP HCM: Thực trạng và giải pháp" của đại học Ngoại thương TP HCM và "Khoảng cách kỳ vọng kiểm toán và giải pháp giảm thiểu khoảng cách kỳ vọng kiểm toán tại Việt Nam" của đại học Ngoại thương Hà Nội.
![]() |
Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Thanh, Giảng viên khoa Thương mại du lịch, trường đại học Kinh tế Đà Nẵng. |
Tiến sĩ Mỹ Thanh gợi ý thêm: "Phương pháp giải trình rõ ràng là một trong những điểm quan trọng để Hội đồng giám khảo dựa trên đó giúp sinh viên có thêm những ý kiến đóng góp cho công trình hoàn thiện hơn ở vòng thi chung kết".
Điểm trọng yếu được mọi người quan tâm trong mỗi công trình nghiên cứu là tính ứng dụng vào thực tiễn. Ở mảng đề tài tự nhiên, tính ứng dụng dễ nhận thấy hơn vì có sản phẩm thiết kế cụ thể. Đó là những công trình: "Thiết kế, chế tạo mô hình gara ôtô tự động" của đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định; "Ngôi nhà thông minh chống lũ" của đại học Tôn Đức Thắng và "Hệ thống bàn cảm ứng thông minh" của đại học Khoa học tự nhiên TP HCM.
![]() |
Hội đồng khoa học quyết định chọn 13, thay vì 12 công trình vào bán kết. |
Khi đề cập đến tính ứng dụng của "Ngôi nhà thông minh chống lũ", Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn, trưởng khoa Điện tử Viễn thông, đại học Bách Khoa Đà Nẵng cho rằng: "Phải tiếp tục hoàn thiện và phát triển chuyên sâu, đa dạng hơn như bảo vệ môi trường, tính toán tác động của nước lũ lên ngôi nhà để khả năng ứng dụng thực tiễn cao hơn".
Với công trình "Hệ thống bàn cảm ứng thông minh", Tiến sĩ Trần Minh Triết, Phó trưởng bộ môn Công nghệ phần mềm, khoa Công nghệ thông tin, đại học Khoa học tự nhiên TP. HCM nhận định đó là một đề tài tiềm năng, có hướng phát triển lâu dài. Tuy vậy dòng sản phẩm cùng loại của công trình này có rất nhiều trên thị trường, vì vậy phải làm sao thể hiện nổi bật ưu điểm của công trình thì mới đem lại thành công.
![]() |
Bán kết sôi nổi tại Hà Nội. |
Các đề tài đều thể hiện quá trình tích hợp sự độc đáo, sáng tạo, làm việc nghiêm túc, công phu, làm nổi bật tính ứng dụng của từng công trình. Đặc biệt, những công trình tác động đến xã hội, nếu mở rộng và triển khai đúng hướng có nhiều khả năng ứng dụng vào thực tiễn, như nhận định của Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đinh Tuấn, Hiệu trưởng Đại học Tài nguyên Môi trường TP HCM về "Ngôi nhà thông minh chống lũ". Ông cho rằng đề tài có phương pháp nghiên cứu phù hợp với kết quả nghiên cứu, tính cấp thiết và ứng dụng cao và có địa chỉ ứng dụng rõ ràng"
Ngọc Bích