Theo nghiên cứu của AARP, tổ chức hoạt động vì lợi ích của nhóm người trên 55 tuổi ở Mỹ, một số người có những nét tính cách khiến họ dễ trở thành nạn nhân của kẻ lừa đảo.
1. Người quá tuân thủ mệnh lệnh
Trong nhiều chiêu lừa đảo phổ biến, kẻ gian thường đóng giả làm cảnh sát, nhân viên cục thuế, hoặc đại diện của tòa án để yêu cầu nạn nhân phối hợp giải quyết công việc. Nhưng bạn cần nhớ rằng cơ quan nhà nước hiếm khi gọi trực tiếp cho công dân để làm việc và cũng không bao giờ yêu cầu chuyển tiền gấp. Nếu bị người gọi ra lệnh cho bạn chuyển tiền, bạn hãy kiềm chế thói quen tuân thủ mệnh lệnh và cúp máy.
2. Người tự cao
Sau khi bị lừa, những nạn nhân thường than phiền với tổ chức AARP rằng "Tôi chưa từng bị lừa bao giờ. Tôi cứ nghĩ mình khôn lắm rồi". Vì thế, bạn hãy điều chỉnh lại tư duy nếu tự cho rằng bản thân miễn nhiễm trước những trò lừa đảo. Kẻ gian rất chuyên nghiệp và chúng cũng sở hữu óc sáng tạo không giới hạn.
3. Người từng mắc lừa một lần
Nếu bạn đã mắc lừa một lần, rất có thể số lượng những cuộc gọi lừa đảo sẽ có xu hướng gia tăng. Kẻ gian thường cho thông tin của bạn vào "danh sách nạn nhân" để bán lại cho những cá nhân hoặc tổ chức tội phạm khác.
4. Người đang gặp khó khăn trong cuộc sống
Bạn cần cẩn trọng hơn nếu vừa ly hôn, mất việc, hoặc vừa gặp phải chuyện khó khăn trong cuộc sống trong vòng hai năm trở lại. Những người vừa mất người thân cũng dễ bị tổn thương, đặc biệt là khi trong cáo phó để lộ thông tin mà kẻ xấu có thể lợi dụng làm mồi nhử.
Theo một nghiên cứu năm 2013 của Ủy ban Thương mại Liên bang (Mỹ), với những người gặp hoàn cảnh như trên, xác suất bị lừa sẽ tăng gần gấp đôi. Nguyên nhân của điều này rất có thể là do những người đang gặp chuyện sẽ phải dành trí óc để đối phó khó khăn trước mắt nên ít còn tâm trí đề phòng lừa đảo.
5. Người đang cô đơn
Nhiều nạn nhân bị lừa đảo cho biết họ cảm thấy cô đơn và tách biệt với gia đình và bạn bè. Cảm giác ấy khiến nạn nhân dễ bị thứ tình cảm thân thiện giả vờ của những tên kẻ gian chuyên nghiệp đánh lừa.
6. Người thiếu chiến thuật phòng tránh
Nạn nhân bị lừa đảo thường ít đặt ra phương thức để phòng ngừa hoặc giảm thiểu rủi ro mắc bẫy. Sau một màn chào hàng, họ không dành thời gian suy nghĩ trước khi ra quyết định mua và không rà soát đối chiếu lại thông tin.
Quốc Đạt (Theo AARP, Consumer Report)