Chiều 23/4, khi bị xét hỏi ở phiên phúc thẩm vụ án xảy ra tại Tổng công ty Viễn thông (MobiFone), sáu cựu phó tổng giám đốc doanh nghiệp này gồm: Phan Thị Hoa Mai, Hồ Tuấn, Phạm Thị Phương Anh, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Bảo Long, Nguyễn Đăng Nguyên đều kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, hưởng án treo hoặc miễn hình phạt.
Bản án sơ thẩm của TAND Hà Nội tuyên phạt 6 người từ 2 năm đến 2 năm 6 tháng tù cùng về tội Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, theo điều 220 Bộ luật Hình sự 2015
Sáu người bị TAND Hà Nội kết tội trong quá trình thực hiện dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone bằng cách mua cổ phần của Công ty Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) đã đồng phạm cùng ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn (cựu bộ trưởng Thông tin và Truyền thông), Lê Nam Trà (cựu chủ tịch MobiFone), Cao Duy Hải (cựu tổng giám đốc MobiFone) gây thiệt hại cho nhà nước gần 6.600 tỷ đồng.
Như phiên sơ thẩm, chiều nay 6 người đều khẳng định "có vai trò mờ nhạt" trong dự án. Họ không có đủ thông tin, không đủ chuyên môn hoặc thiếu hiểu biết nên vô tình sai phạm. Họ không tư lợi.
Bà Phan Thị Hoa Mai trình bày biết giá thẩm định, giá đề xuất của AVG có sự chênh lệch lớn so với giá trị sổ sách thực của doanh nghiệp này nhưng không có chuyên môn định giá, lập kế hoạch, kiến thức về truyền hình lại càng không biết về an ninh quốc gia. Vì thế, bà tin tưởng vào đơn vị thẩm định giá được Bộ Tài chính cấp phép.
"Tôi tin tưởng tuyệt đối vào Bộ Thông tin Truyền thông", bà Mai lý giải việc đồng thuận trong triển khai dự án và khẳng định sai phạm của mình không phải do cố ý mà bởi kém hiểu biết. Nữ bị cáo cam đoan "không được một xu nào" từ dự án.
Nhận là người có công với sự phát triển MobiFone từ doanh nghiệp nhỏ quy mô hơn 30 tỷ lên 15.000 tỷ đồng, gia đình có công cách mạng, cô chú đều là liệt sĩ, nhân thân tốt, bà Mai xin xem xét được hưởng án treo.
Cựu phó tổng giám đốc Phạm Thị Phương Anh cũng khai là thành viên tổ giúp việc trực tiếp dự án nhưng không nhận được tài liệu, thông tin dự án. Lý giải vì sao được giao thanh toán tiền mua cổ phần AVG nhưng không đảm bảo tỷ lệ 30% vốn nhà nước, 70% vốn vay, bà Phương Anh cho rằng ở thời điểm đó tiền gửi ngân hàng của MobiFone nhiều. Trong khi đó, lãi suất đi vay sẽ cao hơn lãi suất tiền gửi nên bà đề xuất sử dụng tiền gửi.
"Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng vì một phần hành động của mình mà gây ra hậu quả đau xót. Thực sự nếu biết sai từ đầu thì không bao giờ dám làm", nữ bị cáo nói.
Cựu phó tổng giám đốc Nguyễn Đăng Nguyên nêu 7 lý do xin được miễn hình phạt hoặc hưởng án treo, đặc biệt là việc từ chối thanh toán 5% giá trị hợp đồng mua cổ phần AVG. Ông Nguyên cho rằng toà sơ thẩm chưa đánh giá hết công lao, ý nghĩa của việc làm này. Bởi khi ông quyết liệt từ chối, hợp đồng có thể bị thay thế, nghĩa vụ các bên chưa hoàn thành, đây là cơ sở pháp lý để sau này các bên có thể tự huỷ hợp đồng. Trong trường hợp các cổ đông không tự huỷ hợp đồng, với việc chưa hoàn thành nghĩa vụ pháp lý giữa các bên, nhà nước có thể đơn phương huỷ hợp đồng này.
Chủ toạ hỏi vì sao lại chỉ từ chối 5%, ông Nguyên khai những lần trước khi thanh toán 95% giá trị hợp đồng có trị giá hơn 8.000 tỷ đồng đều không được hỏi ý kiến. Bị cáo cũng không hiểu vì sao đến lần cuối cùng lại được hỏi.
Các lý do khác ông này nêu ra là: có ý kiến không đồng thuận, kiến nghị nhiều phương án xác đáng với dự án nhưng không được tiếp thu; vai trò trong dự án mờ nhạt; được 23 tổ chức, 1.500 cá nhân ký xin miễn giảm hình phạt cho bị cáo...
Theo bản án sơ thẩm, năm 2015, Tổng công ty Viễn thông Mobifone (MobiFone) thực hiện Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình theo hình thức đầu tư vốn nhà nước bằng việc mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn toàn cầu (AVG) với số tiền 8.900 tỷ đồng.
Cựu bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son nhận thức chủ trương đầu tư thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, Bộ Thông tin và Truyền thông không có chức năng thẩm định, đánh giá về giá mua và hiệu quả đầu tư của dự án. Các chỉ đạo quyết liệt, nhưng trái pháp luật của ông Son đã khiến nhà nước thiệt hại gần 6.600 tỷ đồng do giá trị thực của AVG bị nâng khống.
Ông Son sau đó trở thành một trong 14 bị cáo của vụ án. Tại phiên phúc thẩm khai mạc hôm nay, ông cùng 8 người khác kháng cáo.
Ngày mai, phiên toà tiếp tục làm việc.
Bảo Hà - Phạm Dự