Bất ngờ, gay cấn và ấn tượng là những cảm xúc của sinh viên và cổ động viên khi tham dự vòng thi bán kết. Có mặt từ rất sớm ở hội trường đại học Khoa học tự nhiên TP HCM để theo dõi chương trình ở khu vực phía Nam, Nguyễn Hoàng Như Ý - cổ động viên đến từ trường Ngoại Thương TP HCM đã hào hứng dõi theo các đội thi.
Như Ý cho rằng chương trình Olympia dành cho sinh viên đã đem đến nhiều bất ngờ, thú vị từ khâu tổ chức. Trong phần phản biện của các bạn thí sinh trước Hội đồng khoa học, mặc dù có công trình nghe khó hiểu vì mang tính chuyên môn nhưng các ứng dụng đều gắn với thực tiễn.
Công trình "Ngôi nhà thông minh chống lũ" xuất sắc giành giải nhất khối tự nhiên. |
Sáu đội của ba khu vực Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM ở hai khối ngành khoa học tự nhiên và kinh tế vào vòng chung kết đều có những công trình được Hội đồng khoa học đánh giá là có tính ứng dụng thực tiễn cao. Tiến sĩ Trần Minh Triết nhận định: "Muốn đưa từ lý thuyết vào thực tiễn, các bạn sinh viên phải ứng dụng nhiều tình huống khác nhau, đó là hướng phát triển lâu dài với các đề tài có tiềm năng. Với các nội dung khoa học có nhiều sản phẩm tương tự xuất hiện trên thị trường, khi thực hiện, điểm mấu chốt là sinh viên phải nêu bật ưu điểm trong hướng nghiên cứu của mình".
Các bạn sinh viên đến cổ vũ cho chương trình cũng có những chia sẻ riêng. Trần Tuấn Nghĩa, sinh viên đại học Tôn Đức Thắng, quan tâm nhất đến tính ứng dụng và ưu điểm của các sản phẩm trong cuộc thi này. Những vất vả, khó khăn khi thực hiện công trình, cùng sự nỗ lực hết mình đã đem lại kết quả cao cho của các bạn sinh viên làm nghiên cứu khoa học.
Nguyễn Thu Huyền, thành viên nhóm thực hiện công trình "Phát triển và kiểm định mô hình các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng xanh" cho biết, để chuẩn bị cho buổi phản biện, nhóm thức cả đêm tập luyện, và thật bất ngờ khi biết kết quả lọt vào chung kết. "Cả nhóm em vui lắm vì đây sẽ là kỷ niệm đẹp nhất thời sinh viên", Huyền nói.
Hai đội giành chiến thắng cao nhất tại bán kết khu vực miền Nam. |
Ba cô gái đến từ đại học Ngoại thương TP HCM cũng vỡ òa vui sướng khi nhận kết quả vào vòng chung kết. Lê Thị Anh Sương, đại diện nhóm thực hiện công trình "Phương thức quảng cáo qua các cuộc thi trực tuyến tại TP HCM: Thực trạng và giải pháp" chia sẻ: "Cứ như một giấc mơ, khi thực hiện nghiên cứu, chúng em chỉ biết nỗ lực, gắn bó đoàn kết với nhau và thể hiện hết khả năng của mình vào công trình, không dám nghĩ là sẽ vào đến chung kết".
Mỗi đội vào chung kết được tặng một chiếc điện thoại LG Optimus L9 cùng 30 triệu đồng để tiếp tục hoàn thiện công trình nghiên cứu, chuẩn bị cho vòng chung kết vào tháng 4/2013. Từ đó, ban tổ chức chức sẽ chọn ra hai công trình xuất sắc nhất của cuộc thi.
6 công trình lọt vào chung kết "Olympia dành cho sinh viên đại học" - Khối ngành khoa học tự nhiên: "Thiết kế, chế tạo mô hình gara ôtô tự động" của đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định; "Ngôi nhà thông minh chống lũ" của đại học Tôn Đức Thắng, TP HCM; "Hệ thống bàn cảm ứng thông minh" của đại học Khoa học tự nhiên TP HCM. - Khối ngành kinh tế: "Nghiên cứu các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi hành vi tiêu dùng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng Việt Nam" của đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội; "Phương thức quảng cáo qua các cuộc thi trực tuyến tại TP HCM: Thực trạng và giải pháp" của đại học Ngoại Thương TP HCM và "Khoảng cách kỳ vọng kiểm toán và giải pháp giảm thiểu kỳ vọng kiểm toán" của đại học Ngoại thương Hà Nội. Vòng chung kết dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 4/2013, tham khảo chi tiết chương trình tại www.facebook.com/lge.vietnam |
Ngọc Bích