Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ bảy, 14/9/2019, 02:08 (GMT+7)

6 con đường nguy hiểm nhất thế giới

Ngoài địa hình hay thời tiết khắc nghiệt, du khách có thể phải đối mặt với tình hình an ninh bất ổn trên một số cao tốc nổi tiếng.

Thung lũng Pangi, Ấn Độ

Con đường đầy sỏi đá dài khoảng 112 km chỉ mở cửa trong mùa hè nằm ở độ cao lên tới 2.524 m chạy qua thị xã Kishtwar, miền bắc Ấn Độ. Đoạn đường nguy hiểm nhất dài 9,6 km đi qua những tảng đá lớn có thể lở xuống bất cứ lúc nào. Con đường đến thung lũng Pangi được người dân địa phương xây dựng từ hàng trăm năm nước và không được sửa chữa trong nhiều thập kỷ. Ảnh: Himanshu Khagta.

Chiều rộng của con đường chỉ vừa cho một chiếc xe jeep và không có rào chắn. Tài xế có thể mất tới 4 giờ để lái qua một quãng dài 30 km bởi đường quá mấp mô và dốc. Chỉ một sơ suất nhỏ có thể khiến phương tiện lao xuống vách đá thẳng đứng sâu 600 m.  Ảnh: Darefooted.

Đường North Yungas, Bolivia

Con đường nối thành phố La Paz với thị trấn Coroico có biệt danh “Con đường tử thần” bởi độ nguy hiểm tới từ làn đường rất hẹp nằm kế bên vực sâu 900 m và không có rào chắn. Điểm cao nhất là đèo La Crumbre, có độ cao 4.650 m, dốc thẳng xuống thị trấn ở 1.200 m. Con đường dài 80 km nhưng có tới 200 khúc cua tay áo, thường xuyên bị lở đất đá và ẩm ướt vì sương mù dày đặc. Ảnh: NZHerald.

Năm 2007, một con đường mới nối La Paz và Coroico được khánh thành. Đoạn đường mới dành các phương tiện đi lên dốc, trong khi "đường tử thần" cũ trở thành đường xuống dốc, giảm lưu lượng xe cho cả hai hướng di chuyển. Tuy nhiên, vẫn có những phượt thủ muốn thử sức đạp xe trên đoạn đường cũ. Ước tính khoảng 200 - 300 người tử vong tại đây hàng năm. Ảnh: GilCahana/Wikipedia.

Xa lộ Kolyma, Nga

Những cung đường tại vùng Viễn Đông luôn là thách thức với du khách. Xa lộ Kolyma còn được gọi là Con đường Xương, gợi nhớ đến hàng nghìn tù nhân đã bỏ mạng khi xây dựng công trình này dưới trời lạnh tới -50 độ C vào những năm 1930 - 1950. Kolyma là đường bộ duy nhất để ra vào Yakutsk, thành phố lạnh nhất hành tinh. Ảnh: The Calvert Journal.

Một phần của con đường là sông Lena, nơi đóng băng và có thể đi qua từ tháng 10 đến tháng 4. Tuy nhiên, hàng năm vẫn có hàng chục xe mắc kẹt vì sụt xuống hố băng khi chạy qua khu vực này. Khoảng tháng 7 - 8, thời tiết mưa nhiều biến con đường thành một vũng lầy khổng lồ chỉ những chiếc xe chuyên dụng mới có thể vượt qua. Ảnh: Amos Chapple.

Đèo Nanga Parbat, Pakistan
 
 

Xa lộ Pan America, châu Mỹ

Pan America là con đường dài 30.000 km, trải dài dọc châu Mỹ từ bang Alaska (Mỹ) tới Chile. Theo sách kỷ lục Guinness, Pan American là xa lộ dài nhất thế giới ôtô có thể đi được, nhưng nó không phải một con đường duy nhất mà là mạng lưới cao tốc của nhiều quốc gia khác nhau. 

Pan America không hề thông suốt, tài xế phải đi phà qua eo biển Magellan, một đường hầm qua núi Andes trên biên giới Chile - Argentina, một cây cầu bắc qua kênh đào Panama và vùng lãnh nguyên Yukon. Một chướng ngại vật không thể vượt qua chính là Darién Gap, rừng nhiệt đới nơi Trung Mỹ gặp Nam Mỹ, khiến quãng đường bị ngắt quãng khoảng hơn 100 km. Ảnh: Travel + Leisure.

Mối nguy hiểm lớn nhất không phải địa hình hay thời tiết, mà đến từ các băng đảng ma túy, phiến quân hoặc các vùng bất ổn chính trị dọc đường. Du khách có thể gặp rủi ro khi đi qua Mexico và các quốc gia Trung Mỹ, nơi xảy ra nhiều vụ cướp có vũ trang.

Trên ảnh là một cuộc biểu tình của khoảng 20.000 người tại Colombia hồi tháng 3 năm nay để phản đối Tổng thống Ivan Duque. Người dân bản địa dùng thân cây và đá tảng chắn đường Pan America. Ảnh: The New Republic.

Cao tốc Tứ Xuyên - Tây Tạng, Trung Quốc

Tuyến đường nối Thành Đô (Tứ Xuyên) với Lhasa (Tây Tạng) nằm ở độ cao tối đa lên tới 4.700 m. Đây một phần của Quốc lộ 318 nối từ Thượng Hải đến Tây Tạng và cao tốc Nepal. Cao tốc Tứ Xuyên - Tây Tạng có hai cung đường, phần phía nam dài 2.115 km, còn phần phía bắc dài 2.414 km. 

Con đường nổi tiếng bởi sự hiểm trở, với nhiều khúc cua tay áo giữa những đỉnh núi cao. Trên đường đi, du khách có thể nhìn thấy rất nhiều tu viện Phật giáo, bản làng và những đàn bò Tây Tạng. Ảnh: Chamkie.

Con đường được xây dựng từ năm 1950 đến 1954, hơn 3.000 người thiệt mạng trong thời gian thi công. Trước khi cao tốc này hoàn thành, người dân mất từ 6 tháng đến một năm mới có thể đi từ Lhasa đến Thành Đô.

Ngày nay, thời gian di chuyển trên cung đường này bằng xe khách rút ngắn còn một tháng tuy nhiên vẫn còn nhiều trắc trở. Mùa đông, tài xế thường phải dùng xích bao lốp xe để đi trên mặt đường trơn trượt, đôi khi giao thông đình trệ vì tuyết rơi quá dày. Sạt lở hoặc lũ quét cũng là một mối nguy hiểm thường trực. Ảnh: ECNS.

Kiều Dương (Theo Wander Wisdom)

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net