Nghiên cứu chỉ ra các phản ứng của cha mẹ có tác động đáng kể đến việc ứng phó khi bị bắt nạt của trẻ. Trước tiên, cha mẹ nên lắng nghe trọn vẹn câu chuyện của con để hiểu rõ ngọn ngành, từ đó có những nhận định của riêng mình.
Sau đó, có 6 câu mà cha mẹ nên nói, đi cùng với đó là hướng giúp con xử lý, giải quyết vấn đề cho hiệu quả, đó là:
Con hãy can đảm kể lại việc bị bắt nạt
Trẻ sau khi bị bắt nạt sẽ xấu hổ, sợ sệt không dám kể với cha mẹ vì sợ bị rầy la, hoặc sợ sự việc còn tồi tệ hơn, nên phần nhiều chúng sẽ im lặng. Do đó, điều quan trọng là khuyến khích trẻ lên tiếng về việc bị bắt nạt. Bạn cần cho đứa trẻ biết rằng chúng không chỉ dũng cảm khi nói ra sự việc, mà đó còn là cách tốt nhất để vượt qua việc bị bắt nạt.
Việc bị bắt nạt không phải do lỗi của con
Đôi khi, trẻ cảm thấy rằng mình đã làm điều gì sai trái nên mới bị bắt nạt, vì thế việc nói với người lớn có thể khắc sâu thêm sự xấu hổ, bối rối với sai sót, lỗi lầm của mình. Hãy cho trẻ hiểu rằng con không hề đơn độc, bắt nạt xảy ra với nhiều người, nhưng chỉ cần có cha mẹ ở bên, trẻ sẽ được giúp đỡ.
Con dự định sẽ làm thế nào để đối phó?
Cha mẹ nên hỏi đứa trẻ cách mà con định làm để đối phó với tình huống bị bắt nạt. Điều đó cho trẻ thấy rằng bạn tôn trọng quyết định của con, đồng thời giúp con thoát khỏi suy nghĩ rằng mình là một nạn nhân phải chịu đựng việc bị bắt nạt. Cha mẹ cũng nên tập trung vào việc giúp trẻ tìm ra các phương pháp đối phó khác nhau, sau đó hỗ trợ con.
Bố/mẹ sẽ giúp con
Điều quan trọng là dạy cho trẻ kỹ năng tự giải quyết vấn đề, nhưng đừng bàng quan đứng ngoài sự việc đó. Bạn có thể chủ động liên lạc với giáo viên để nắm được tình hình, nhất là khi con bạn bị bắt nạt đến mức bị ảnh hưởng tâm lý, bị thương tích... Tất cả các loại bắt nạt đều để lại hậu quả, bất cứ sự chậm trễ nào trong việc hỗ trợ, giúp đỡ có thể làm cho tình trạng của trẻ tệ hơn.
Chúng ta cần tránh để điều này không xảy ra lần nữa
Sau khi con bị bắt nạt, bạn nên khuyến khích con suy nghĩ về cách tránh khỏi điều này xảy ra một lần nữa trong tương lai. Nên dạy cho con cách xây dựng mối quan hệ rộng rãi hơn với bạn bè, có nhiều "đồng minh" hơn. Bạn cũng nên cho con tham gia các hoạt động của trường, lớp, các hoạt động hướng ngoại.. để xây dựng cho trẻ lòng tự tin, sự hoạt bát. Trong khi nghe trẻ nói, cha mẹ nên cố gắng giúp con đưa ra những ý tưởng thiết thực và hiện thực hóa chúng bằng hành động.
Con có những người bạn tốt nào là đồng minh?
Những người bạn tốt của con có thể có nhiều cách hiệu quả nhằm ngăn chặn việc bị bắt nạt xảy ra một lần nữa. Nghiên cứu cho thấy tình bạn giúp ngăn chặn việc bị bắt nạt. Hãy gợi ý cho trẻ nghĩ về những người bạn trong trường mà chúng có thể dựa vào tìm kiếm hỗ trợ. Chẳng hạn, con hay đi học với bạn nào? Con hay ngồi cạnh bạn nào trong lớp? Trong trường hợp con rụt rè, ít bạn, hãy khuyến khích con phát triển tình bạn, để có được sự giúp đỡ. Bạn cũng khuyên con tìm tới các "trọng tài", ví dụ là thầy cô, người lớn tuổi... để được giúp phân xử nếu con bị bắt nạt ở trường lớp.
Thùy Linh (Theo Sina)