Biết bốn ngôn ngữ Anh, Pháp, Nga, Ukraine, Elena Prokopets chia sẻ phương pháp học ngoại ngữ dành cho người trưởng thành.
Tôi là trẻ song ngữ và bắt đầu học ngôn ngữ thứ ba từ năm ba tuổi. Khi tôi còn nhỏ, việc học và ghi nhớ từ mới, quy tắc ngữ pháp dễ như ăn kẹo. Tôi luôn là một trong những học sinh giỏi nhất lớp ngôn ngữ.
Khi quyết định sống tại Pháp, tôi cho rằng bản thân sẽ sớm thành thạo tiếng Pháp như thời đi học. Tôi tưởng tượng sẽ học từ mới nhanh chóng, trò chuyện lưu loát chỉ trong một hoặc hai tháng. Nhưng tôi đã lầm.
Học ngoại ngữ khi trưởng thành tương đối khó khăn. Tôi chật vật ghi nhớ quy tắc ngữ pháp, ngắc ngứ khi phát âm và không thể sử dụng từ mới tự nhiên. Nhưng dần dần, tôi tìm ra cách tự học hiệu quả kết hợp với những kinh nghiệm được truyền đạt trong các lớp học ngoại ngữ.
1. Bắt đầu từ nghe nói
Liệu có cảm thấy trẻ em học ngoại ngữ dễ dàng hơn người lớn? Lời giải thích cho câu hỏi này là các bé có khả năng phân biệt và ghi nhớ âm thanh tốt do ngôn ngữ mẹ đẻ chưa bám rễ sâu trong tiềm thức. Khi chúng ta lớn lên và già đi, đôi tai đã quen nghe ngôn ngữ mẹ đẻ sẽ trực tiếp sàng lọc âm thanh khác với ngôn ngữ này.
Vì vậy, để học ngoại ngữ khi trưởng thành, tôi khuyên các bạn nên bắt đầu từ nghe nói trước khi học từ vựng và ngữ pháp. Bạn hãy đầu tư nhiều thời gian nghe ngoại ngữ, bắt chước cách người bản ngữ sử dụng ngôn từ.
Ngoài ra, nhiều nhà ngôn ngữ cho rằng bạn nên làm quen với các giọng nói khi học một thứ tiếng. Ví dụ, khi học tiếng Anh, hãy tập nghe giọng nói của người Ấn, Australia, Mỹ, Anh. Lắng nghe ngôn ngữ được nói bằng các giọng giúp bạn hình thành phản xạ tư duy và tiếp nhận âm thanh dưới nhiều hình thức.
2. Lập kế hoạch học thuộc từ mới
Nếu học một từ mới nhưng không trau dồi, bạn sẽ nhanh quên. Để có thể ghi nhớ từ mới hiệu quả, tôi lập kế hoạch ôn luyện theo chu trình. Ví dụ, tôi học một từ mới vào ngày đầu tiên, tôi sẽ xem lại vào ngày hôm sau, một tuần sau, hai tuần sau.
Khi mới học, ngày hôm sau kiểm tra lại bạn có thể vẫn nhớ, nhưng một tuần sau thì chưa chắc. Động thái kiểm tra sau một hoặc hai tuần giúp kích thích thông tin trong trí nhớ ngắn hạn và chuyển nó sang vùng trí nhớ dài hạn. Thời gian xem lại cần được phân chia dài, tránh việc chỉ học một, hai ngày đầu rồi bỏ quên.
3. Học trước khi ngủ
Theo nghiên cứu khoa học, khi con người ngủ, một vài thông tin trong vùng trí nhớ ngắn hạn được chuyển sang vùng trí nhớ dài hạn. Vì vậy, trước khi ngủ tối hoặc ngủ trưa, bạn có thể dành thời gian học ngoại ngữ bằng cách xem, nghe tài liệu, đọc sách hoặc học từ vựng.
4. Tìm hiểu đề tài yêu thích
Theo một khảo sát được công bố trên tạp chí Cambridge, Anh, học sinh đăng ký môn bất kỳ bằng tiếng Pháp, thay vì học môn tiếng Pháp, có khả năng nghe tốt và duy trì động lực học tiếng. Trong khi học sinh chỉ học môn tiếng Pháp có điểm đọc và viết cao hơn.
Nghiên cứu này cho thấy, để học ngôn ngữ hiệu quả, người học cần kết hợp giáo trình và tài liệu ngoài cuộc sống. Chẳng hạn, bên cạnh việc học ngữ pháp, nghe các chương trình dạy ngoại ngữ, bạn hãy tìm kiếm các chủ đề yêu thích như nấu ăn, âm nhạc, phim ảnh.
5. Đọc sách thiếu nhi
Bộ não của chúng ta có thể bị quá tải nếu phải tiếp thu nhiều từ vựng mới và khó cùng lúc. Vì vậy, để ghi nhớ từ mới, bạn hãy thử đọc sách thiếu nhi, đặc biệt là các bộ nổi tiếng thế giới mà bạn có thể đã thuộc lòng.
Sách thiếu nhi sử dụng từ ngữ đơn giản, kết hợp với việc đã biết nội dung từ trước, bạn có thể đoán nghĩa các từ mới mà không cần dùng từ điển. Dần dần, bạn sẽ tích lũy vốn từ vựng đáng kể. Dù là những từ cơ bản, chúng cũng giúp bạn xây dựng nền tảng và sử dụng tự nhiên trong giao tiếp.
6. Học mỗi ngày
Việc học liên tục hàng giờ nhưng chỉ một ngày mỗi tuần sẽ không hiệu quả bằng việc học 15-30 phút mỗi ngày. Việc học mỗi ngày giúp bạn ghi nhớ lâu dài, liên tục củng cố kiến thức đã học và tạo thành thói quen học tập.
Tú Anh (Theo Life Hack)