From: Nguyen Thi Tuyet Nga
Sent: Wednesday, November 11, 2009 12:55 PM
Chào anh Đức, anh Hùng và các bạn đọc,
Tôi thấy đại đa số đàn ông góp ý là nhu nhược, hãy ly dị, đừng làm khổ con. Đàn ông đứng trên vai trò cùng chiến tuyến với anh thì hiển nhiên đồng cảm với các anh rồi. Hãy nghe người ở chiến tuyến bên kia nói để hiểu người phụ nữ thật sự muốn gì…
Câu chuyện của hai anh là vấn đề tất yếu trong xã hội phát triển như hiện nay: sự biến đổi vai trò của phụ nữ, đàn ông trong sự phát triển của xã hội.
Xã hội trước (ý tôi nói là xã hội thời bao cấp) đàn ông, phụ nữ đi làm giống nhau, thu nhập giống nhau, hết giờ về chăm sóc gia đình, đàn ông việc nặng (sửa điện, lau xe đạp...), phụ nữ nấu ăn, món ăn cũng đơn giản, nhiều khi toàn rau, chỉ là ăn cho xong bữa. Cuộc sống đơn giản, hạnh phúc và nhà nào cũng giống nhau vì thu nhập của các gia đình là như nhau.
Xã hội ngày nay đã đổi thay rất nhiều. Gia đình có chồng kiếm nhiều tiền hơn vợ chiếm số đông. Như trào lưu trong xã hội, ý nghĩ phải thành đạt và kiếm được tiền cho vợ con luôn luôn thúc giục người chồng lao vào công việc. Anh ta tập trung hết sức lực vào việc đó.
Sáng vội vàng đi làm, hết giờ còn giải quyết công việc, không còn việc gì thì cũng phải quán xá rượu bia, gặp mặt đối tác, anh em, để có thêm quan hệ, tin tức… Về nhà thì đã muộn. Anh ấy không muốn, hoặc không còn sức quan tâm chuyện chợ búa, cơm nước, đón con, dạy con học… Người chồng luôn mong muốn ở người vợ: tán dương, ghi nhận sự thành đạt của chồng, đảm đang, quán xuyến toàn bộ việc nhà, con cái, nội ngoại, không cần kiếm nhiều tiền, có đi làm, hiểu biết xã hội… Nếu có ai hỏi bà xã làm gì, câu trả lời làm ở tổ chức, ngân hàng, công ty... luôn sang hơn câu trả lời chỉ ở nhà nội trợ thôi.
Người chồng nói tôi vẫn tham gia việc nhà, nhưng chỉ là tham gia cho có thôi, chứ đến 90% vẫn phải là vợ. Sự phân công như vậy thoạt nghe có vẻ có lý, nhưng về bản chất lại là đi ngược lại với xã hội văn minh, mang tư tưởng trọng nam kinh nữ.
Tại sao ư? Tại người phụ nữ, người vợ, người mẹ trong xã hội ngày nay không phải là người phụ nữ trong xã hội xưa.
Có 3 cháu gái hàng xóm nhà tôi, mặc dù học cấp 3, vẫn chưa phải nấu cơm. Các cháu phải học suốt ngày, ngoài ra còn phải học thêm văn hoá, cố gắng chen vào vài khoá học đàn, đi bơi, tập võ… cho có thêm sức khoẻ và tinh thần. Nhà có mỗi cô con gái, bố mẹ (đặc biệt là bố) yêu lắm. Nhiều lúc bố cháu cũng tâm sự với tôi là cháu lớn rồi, phải cho nó làm việc nhà cho quen, nhưng còn lo nó không đỗ đại học…
Và khi lập gia đình, mâu thuẫn luôn luôn là việc nhà ai làm? Người vợ đương nhiên bị “ép” làm (thiên chức mà). Rồi con cái ra đời, việc nhà càng nhiều hơn. Khả năng thích nghi và chịu đựng của con người có hạn và tình yêu, hạnh phúc, những rung động dần dần trở nên xa xôi…
Cách giải quyết:
1. Tình yêu: Yêu vợ của mình vô điều kiện. Phụ nữ thích lãng mạn thay vì nói: “Cô phải xem lại bản thân đi”. Hãy mua tặng vợ một món quà (đồ lót, mỹ phẩm, túi xách…). Mời vợ đi ăn, café tại một nơi lãng mạn, chỉ có 2 người. Nói yêu vợ thật nhiều… Vợ hãy nói cho anh biết anh còn điểm gì làm em chưa hài lòng.
2. Việc nhà: Thay vì về nhà muộn, nhậu nhẹt sau giờ làm, hoặc về đến nhà là làm việc tiếp hoặc xem tivi, chơi với con… Hãy ra chợ, xuống bếp cùng vợ. Món này nấu thế nào hả em? Bữa cơm gia đình ngập tiếng cười, món này bị cháy mất rồi, nhưng ăn cũng có vị ngon riêng. Các con yên tâm, mai bố mẹ sẽ mua sách nấu ăn về để thử lại…
3. Buổi tối: Thay vì lại xem tivi hoặc vào mạng. Hãy “Em dạy con học đi. Mai mình mặc gì, anh là quần áo cho em luôn nhé”.
4. Tâm sự: Thay vì nghĩ vợ mình ngu dốt, có biết gì đâu mà nói chuyện. Hãy tôn trọng và chia sẻ với vợ. Phụ nữ luôn muốn biết chồng mình làm gì, với ai, công việc như thế nào? Và cũng muốn chồng hỏi mình công việc của em dạo này thế nào?
5. Tiền bạc: Không gì làm phụ nữ khó chịu hơn là việc chồng có tiền riêng, chứ đừng nói hằng tháng phát lương cho vợ. Ngủ chung một giường, ăn chung một mâm, mà người giàu, người nghèo thì street nặng. Đối với một người phụ nữ tôi sẽ yêu người đàn ông có 10 đồng, đưa cho tôi 9 đồng hơn là người đàn ông có 1.000 đồng đưa cho tôi 100 đồng.
6. Và điều cuối cùng quan trọng nhất người chồng phải có nghệ thuật kết hợp giữa cho và nhận. Luôn cố gắng mang lại hạnh phúc cho vợ con, nhưng trong lúc ôm vợ vào lòng hãy nhẹ nhàng với vợ: Anh thích em như thế này, anh thích em như thế kia… Sức mạnh của tình yêu, sự cảm thông, chia sẻ, luôn thành công bất cứ biện pháp cứng rắn nào.