Tránh tâm lý đám đông
Kristy Shen và chồng, đã có 1 triệu USD gửi trong tài khoản ngân hàng vào tuổi 31 và vừa nghỉ việc kỹ sư máy tính để đi du lịch thế giới. Để làm được điều này, cặp đôi đã tập thói quen theo dõi tiền bạc và tránh không bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông, chẳng hạn như khi thấy bạn bè mình đều dành tiền để mua nhà.
Shen cho biết làm việc với máy tính khiến cô dùng toán học để quản lý tiền bạc, thay vì cảm xúc. “Đôi khi người ta quyết định không phải vì điều đó là đúng đắn, mà bởi vì họ bị cảm xúc chi phối. Mỗi lần như vậy, tôi lại bình tĩnh suy xét mọi yếu tố và cố gắng không bị tác động bởi những người xung quanh", Shen chia sẻ.
Hài lòng với cuộc sống đơn giản
Vợ chồng Joe và Ali Olson, 30 tuổi, vừa nghỉ việc giáo viên với 1 triệu USD tiết kiệm ngân hàng, và quyết định đưa con gái đi du lịch khắp nơi. Họ làm được điều này là nhờ tiết kiệm và đầu tư bất động sản từ năm 2007, khi khủng hoảng kinh tế khiến nhà đất mất giá.
Kể cả khi tài sản tăng lên, họ vẫn tiếp tục tiết kiệm 75% lương, sống trong căn hộ gần 40m2 và chi tiêu hằng năm chỉ khoảng 20.000 USD. Bí quyết của họ là thay đổi suy nghĩ và tập hài lòng với những gì mình có. “Với tôi, tự chủ tài chính là điều dễ dàng bởi chúng tôi bằng lòng với những điều đơn giản, không hề phải cắt giảm chi tiêu hay gồng mình tiết kiệm,” Joe chia sẻ.
Kiên trì
Sau nhiều năm lên kế hoạch tài chính và thực hiện theo đó một cách cẩn thận, vợ chồng Jason và Julie Buckley đã nghỉ hưu vào năm 43 tuổi, với 30.000 bảng Anh (khoảng 36.800 USD). Họ tự đặt cho mình mức chi tiêu tối đa mỗi năm là 15.000 bảng và bắt đầu chuyến du lịch vòng quanh châu Âu và Bắc Phi trên chiếc motor home - cho phép họ cắt giảm tối thiểu chi phí.
Hiện tại cặp đôi sống bằng tiền cho thuê nhà, lợi nhuận cổ phiếu, quảng cáo và bán sách trên blog du lịch của mình.
Lời khuyên của Jason và Julie là bạn nên bắt đầu lên kế hoạch tài chính của mình, viết ra giấy, theo dõi thật sát sao để cắt bỏ những khoản chi không cần thiết. “Khi chi tiêu giảm xuống và tiền đầu tư sinh sôi nảy nở, bạn sẽ vui mừng nhận ra mình đang bắt đầu trở nên giàu”, Jason chia sẻ.
Để tiền sinh lời
Peter Adeney và vợ, cùng là kỹ sư phần mềm, nghỉ hưu ở tuổi 30. Sau 10 năm làm việc và tiết kiệm 2/3 lương hàng tháng, họ đã mua xong ngôi nhà trị giá 200.000 USD và 600.000 USD tiền đầu tư.
Bí quyết của họ là tập thói quen nghĩ cách đầu tư tiền, thay vì tiêu chúng. “Tôi luôn muốn tất cả tiền của mình đều có thể sinh lời. Nếu có lãi, tôi cũng chẳng nghĩ tới chuyện sẽ mua thứ gì đó, mà sẽ tìm cách tiếp tục đầu tư.”
Được tăng lương hay trúng sổ xố thường khiến chúng ta muốn vung tay mua sắm cho đã đời, nhưng Adeney lại chỉ muốn đầu tư. Điều đó cũng giúp anh loại bỏ cám dỗ từ việc mua sắm.
Phối hợp với người bạn đời
Thường thì vợ chồng luôn có chung một tài khoản tiết kiệm, vì hai người cùng tiết kiệm thì sẽ hiệu quả hơn là một người. Nhưng không phải lúc nào cũng vậy.
Brandon, lập trình viên phần mềm, nghỉ hưu ở tuổi 34, sau khi thực hiện kế hoạch tiết kiệm 70% lương và theo dõi sát sao chi tiêu hàng tháng. Tuy nhiên, Jill, vợ anh lại rất yêu công việc bác sĩ nhãn khoa và không muốn nghỉ hưu sớm.
Sau khi bàn bạc, cặp đôi quyết định ngoài khoản tiết kiệm chung để trả tiền nhà và du lịch cùng nhau, mỗi người sẽ có một khoản tiết kiệm riêng. Như vậy, Brandon có thể nghỉ hưu sớm, Jill được tiếp tục làm việc và cả hai vẫn cùng nhau du lịch thường xuyên.
Giảm chi tiêu
JP Livingston nghỉ hưu ở tuổi 28 với 2 triệu USD trong tài khoản ngân hàng. Bí quyết của cô là cắt giảm khoản chi tốn kém nhất - thuê nhà.
Livingston sống tại New York, thành phố đắt đỏ thứ hai trên thế giới. Dù lương cao, cô cùng bạn mình thuê chung một căn hộ chỉ với giá 1.050 USD một tháng.
Kể cả sau khi kết hôn và được tăng lương, Livingston vẫn giữ mức chi tiêu khiêm tốn. Vợ chồng cô sống chung trong căn hộ một phòng ngủ rộng 25m2 với giá 2.400 USD/tháng.
Minh Sơn (theo Business Insider)