Bác sĩ Kim Phúc Thành, Phó Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Quận Thủ Đức, cho biết bà Trần Thị Phụng, 61 tuổi, sau một ngày điều trị đã tỉnh, diễn tiến tốt, đang thở oxy và theo dõi. Bà vào viện cấp cứu chiều 12/6 trong tình trạng lơ mơ, tiếp xúc chậm, nhịp thở nhanh, mạch nhanh.
Trong 6 người cháu cùng vào cấp cứu với bà Phụng, hiện 5 bé hồi phục ổn, riêng bé gái 8 tuổi ngưng tim ngưng thở trước nhập viện, đồng tử giãn do hít quá nhiều khí CO, bác sĩ không cứu được.
Ngày 12/6, chồng bà Phụng phát hiện vợ và các cháu ngủ mê man trong phòng kín tại nhà có máy phát điện đang hoạt động. Do nhiều tháng gia đình không đóng tiền điện nên bị cắt, mượn tạm máy phát điện về sinh hoạt.
Tiến sĩ Nguyễn Bá Trinh, Phòng Công nghệ chất thải Viện Hóa học, cho biết máy phát điện thải CO rất độc cho hệ hô hấp và tuần hoàn, có thể gây chết người trong môi trường kín.
Dấu hiệu ngộ độc CO gồm nhức đầu, chóng mặt, yếu, buồn nôn, nôn mửa, đau ngực và lú lẫn. Nếu nghi ngờ bị ngộ độc CO, cần nhanh chóng mở rộng cửa, làm thoáng khí, lấy khăn thấm nước che kín miệng để không bị ngạt khí, đồng thời gọi cấp cứu hoặc tìm đến các dịch vụ chăm sóc y tế gần nhất tại địa phương.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, Giám đốc Trung tâm đèn tiết kiệm điện năng, cho biết nếu người sử dụng máy phát điện đóng kín cửa thì tác hại sẽ chẳng khác gì việc đun than tổ ong trong phòng kín, chỉ sau một giờ là bị ngạt, gây hại thần kinh, hôn mê hoặc tử vong.
Ông Khải khuyến cáo không nên đặt máy phát điện trong phòng sinh hoạt, cần đặt ở ngoài sân, chỗ thoáng khí rồi dẫn dây vào nhà. Đối với nhà không có sân vườn, phải chọn nơi rộng, thoáng để đặt máy. Trong phòng sinh hoạt cũng phải bảo đảm có nhiều dưỡng khí để không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mọi người.