"Đã một tuần trôi qua kể từ khi thảm họa xảy ra", SCMP dẫn lời người phát ngôn Bộ Nội vụ Nepal Laxmi Prasad Dhakal nói. "Chúng tôi đang làm hết sức trong hoạt động cứu hộ và cứu trợ nhưng lúc này tôi không nghĩ rằng vẫn còn người sống sót dưới đống đổ nát".
Theo Dhakal, trận động đất mạnh 7,8 độ Richter xảy ra hôm 25/4 đã khiến 6.900 người chết và hơn 15.000 người bị thương. Nó còn biến phần lớn thủ đô Kathmandu thành đống đổ nát và tạo ra đợt lở tuyết chết người trên núi Everest. Hơn 100 người ở Ấn Độ và Trung Quốc cũng thiệt mạng do ảnh hưởng từ trận động đất.
Thiệt hại chính xác sau thảm họa vẫn còn chưa hiện rõ. Địa hình đồi núi trên dãy Himalaya đang khiến nỗ lực cứu trợ thêm phức tạp. Số người nước ngoài có thể thiệt mạng cũng là ẩn số với khoảng 1.000 công dân châu Âu vẫn mất tích, các nhà ngoại giao cho biết.
Nhiều đội cứu hội từ hơn 20 quốc gia đang sử dụng chó nghiệp vụ cùng trang thiết bị tầm nhiệt để tìm kiếm người sống sót nhưng vẫn chưa phát hiện thêm trường hợp nào kể từ tối 30/4.
Rameshwor Dangal, thư ký Phòng Giải quyết Thảm họa Quốc gia Nepal, nói còn nhiều người đang đợi nhận hàng cứu trợ hoặc chờ được đưa tới nơi an toàn.
"Người dân tại nhiều khu vực vẫn chưa nhận hàng cứu trợ", ông Dangal nói. "Chúng tôi ước tính vẫn còn khoảng 1.000 người ở khu vực Sindhupalchowk và Rasuwa cần được cứu hộ. Số này gồm những người bị thương và mắc kẹt, trong đó có người nước ngoài".
Trong khi đó, hàng chục nghìn người sống sót tại thủ đô Kathmandu vẫn đang sống ngoài trời do nhà của họ đã bị phá hủy hoặc lo sợ dư chấn có thể làm sập những ngôi nhà còn lại.
Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF cảnh báo về một cuộc đua với thời gian để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát trong những khu vực bị tàn phá nặng nề nhất, nơi ước tính có 1,7 triệu trẻ em đang sinh sống, trong bối cảnh mùa mưa chỉ còn vài tuần nữa là bắt đầu.
Theo UNICEF, sức khỏe và tinh thần của trẻ em bị ảnh hưởng trong thảm họa "đang nằm trên bàn cân" do nhiều em đang vô gia cư, bị sốc nặng và không được chăm sóc cơ bản.
"Bệnh viện quá tải, nước khan hiếm, thi thể vẫn còn dưới đống đổ nát và mọi người ngủ ngoài trời. Đây là môi trường hoàn hảo để dịch bệnh phát sinh", Rownak Khan, phó đại diện của UNICEF ở Nepal, nói. "Chúng ta còn ít thời gian để triển khai biện pháp giúp trẻ em bị ảnh hưởng trong động đất tránh khỏi dịch bệnh truyền nhiễm, phát sinh do điều kiện ẩm ướt, lầy lội cùng mưa".
Như Tâm