Chia sẻ về những rủi ro của 5G tại diễn đàn Tech Talk chiều 8/1, ông Võ Đỗ Thắng cho rằng, các vụ tống tiền, trộm danh tính... sẽ diễn ra ngày càng nhiều trong kỷ nguyên kết nối.
"Nguyên nhân là chúng ta không thể một sớm một chiều chuyển ngay qua 5G. Quá trình này cần thời gian để hoàn tất. Trong khi đó rất nhiều thiết bị sử dụng nền tảng 3G, 4G sẽ bị tồn lưu, không tương thích tạo ra lỗ hổng bảo mật, mở đường cho hacker xâm nhập vào hệ thống", ông nói.
Ông Võ Đỗ Thắng cảnh báo về những mặt trái của 5G tại diễn đàn Tech Talks. |
Theo khảo sát của Trung tâm cảnh báo rủi ro và an ninh mạng Athena, nhiều đơn vị vẫn sử dụng những thiết bị cũ với hệ điều hành thấp vì chúng vẫn đáp ứng được nhu cầu cơ bản. Lỗ hổng bảo mật sẽ xuất hiện khi các công ty dùng thiết bị cũ để kết nối nhanh thông qua 5G. Sẽ có khoảng 60 đến 70% các thiết bị như thế trên thị trường trong vòng 5 năm nữa.
Theo ông Võ Đỗ Thắng, chỉ cần thông qua những công cụ dò tìm dữ liệu trên mạng, hacker có thể dễ dàng xâm nhập hệ thống dữ liệu tại Việt Nam. Đây là lỗ hổng bảo mật lớn đang tồn tại song song với cuộc cách mạng kết nối 5G. Những lỗ hổng này nếu không được "vá" kịp thời thì có thể biến các tổ chức thành nạn nhân của tin tặc với những thiệt hại khó lường.
Với độ trễ thấp, 5G có thể tạo điều kiện cho hacker tấn công nhanh vào các thiết bị IoT thông qua bo mạch đơn giản hay USB cắm trực tiếp vào hệ thống để cài đặt. "Rất dễ mua những thiết bị ăn cắp dữ liệu trên mạng. Bất kỳ ai, kể cả trẻ con 9-10 tuổi biết dùng máy tính cũng có thể biến thiết bị thành công cụ xâm nhập hệ dữ liệu của gia đình, doanh nghiệp, cơ quan chức năng", ông Võ Đỗ Thắng khuyến cáo.
Chuyên gia bảo mật cho rằng mất laptop, xe máy... là mất mát hữu hình, cơ quan chức năng dễ dàng truy vết tìm kiếm. Tuy nhiên, trên không gian mạng, rất khó truy vết. Hacker có công cụ, kết nối tốc độ cao, có thể ăn cắp dữ liệu dễ dàng, trong khi chế tài, hành lang pháp lý rất khó để xử lý.
Ông Võ Đỗ Thắng khẳng định, cốt lõi của bảo mật trong kỷ nguyên 5G nằm ở phía người dùng. Mỗi người cần chủ động trang bị cho mình những kiến thức về an toàn an ninh mạng và bảo mật thông tin. Người dùng phải tỉnh táo để ý thức được ai, cái gì, đang sử dụng dữ liệu cá nhân. "Ví dụ, camera trong gia đình, ngoài chúng ta, liệu có ai có thể tiếp cận, xâm nhập hay không?", ông nói.
"Thiết bị camera trôi nổi rất nhiều, được cá nhân, doanh nghiệp mua về lắp đặt để giám sát nhà cửa, văn phòng... Chỉ cần 2-3 phút là có thể xâm nhập, kiểm soát và nắm quyền truy cập toàn bộ thông tin từ camera", ông nhận xét.
Công nghệ luôn đi trước pháp luật. Chuyên gia bảo mật của Athena hi vọng nhà làm luật thấy được nguy cơ và có thể định hướng, đưa ra khuyến cáo, ràng buộc để hạn chế rủi ro, trước khi chúng ta triển khai công nghệ kết nối mới trên diện rộng.
Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Michael MacDonald, Giám đốc Kỹ thuật số của Huawei Đông Nam Á cho rằng doanh nghiệp cần có chính sách bảo vệ dữ liệu của khách hàng, những người đang mất cảnh giác trước nguy cơ bị đánh cắp thông tin. Nhưng quan trọng hơn, người dùng cần cảnh giác. Bởi riêng doanh nghiệp dù cố gắng cách mấy cũng không thể bao quát toàn bộ hoạt động trên không gian mạng của người dùng.
Đồng ý với góc nhìn của ông MacDonald, ông Võ Đỗ Thắng cho rằng mỗi cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức có những nhu cầu riêng nhưng ai cũng có nhu cầu được cảnh báo sớm rủi ro về dữ liệu trên không gian mạng. Nếu những startup có giải pháp nâng cơ hội, giảm rủi ro thì sẽ có "đường" thắng lớn, cùng nhau chia sẻ miếng bánh ngày càng lớn của thị trường.
Diễn đàn Tech Talks, nằm trong khuôn khổ sự kiện Tech Awards 2019, bàn về sự bùng nổ của 5G, trí tuệ nhân tạo cùng những mặt trái mà các công nghệ mới này có thể mang tới. Ông Michael MacDonald, Giám đốc kỹ thuật của Huawei chia sẻ tầm nhìn về 5G. Trong khi đó, CEO của BKAV Nguyễn Tử Quảng đưa ra những cảnh báo về "bóng ma" Deepfake. Ông Nguyễn Minh Đức, CEO CyRadar nói về nguy cơ bảo mật và mặt trái của AI. Còn ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc trung tâm Athena sẽ nói về những rủi ro trong kỷ nguyên kết nối.