Diễn đàn Công nghệ VnExpress khai mạc vào sáng ngày 7/1 với chủ đề "Công nghệ Việt trong kỷ nguyên kết nối mới", trước thềm Lễ trao giải Tech Awards. Sự kiện bàn về sứ mệnh của sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, AI và 5G. Sản phẩm Công nghệ Xuất sắc (Tech Awards) là chương trình bình chọn của chuyên trang Số Hóa, Báo VnExpress, dành cho các sản phẩm công nghệ được giới thiệu và bán chính hãng tại thị trường Việt Nam trong năm 2020. Chương trình được tổ chức thường niên từ năm 2012. Vòng Sơ loại của Tech Awards 2020 diễn ra từ 30/11 và lễ trao giải tổ chức vào 8/1/2021.
Sự kiện tiếp nối phiên chiều với phần trình bày của ông Lương Phạm Nam Hoàng, đại diện Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông. Ông Nam Hoàng cho rằng 5G là xu thế tất yếu trong cách mạng công nghệ 4.0, được cụ thể hóa lộ trình bằng hàng loạt văn bản pháp luật. Trong xu thế đó, Việt Nam đã chủ động đi cùng thế giới, khu vực trong triển khai 5G như chủ động nghiên cứu ứng dụng 5G từ sớm, một số lĩnh vực thể hiện vai trò dẫn dắt trong khu vực Đông Nam Á.
"Thời cơ có, thách thức đã có, điều cần bàn là nhìn nhận thời cơ, đánh giá thách thức, để biết cần chuẩn bị gì để tiến vào kỷ nguyên 5G, kỷ nguyên kết nối mới, mang lại thịnh vượng cho đất nước", ông Lương Phạm Nam Hoàng nói.
Ông Lương Phạm Nam Hoàng cho rằng các đơn vị quản lý, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh chuyển đổi số để tăng hiệu quả hiệu lực của Nhà nước, theo sát doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp, nên tìm cách ứng dụng để tăng hiệu quả sản xuất thì mới đáp ứng được sự dịch chuyển sản xuất từ quốc tế vào Việt Nam. Các doanh nghiệp viễn thông cần chú trọng vào hạ tầng, đầu tư để tạo cơ sở, kết nối với các đơn vị cung cấp giải pháp, đưa ứng dụng công nghệ vào các lĩnh vực thành phố thông minh, giao thông thông minh...
Với chủ đề "Nền tảng kết nối mới sẽ thay đổi cuộc sống", ông Ngô Vũ Đức - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển MobiFone cho rằng những nền tảng kết nối mới sẽ chuyển đổi toàn diện cuộc sống của tất cả chúng ta. Những công nghệ mà tưởng như chỉ xuất hiện trong phim khoa học viễn tưởng có thể được xuất hiện trong thế giới thực nhanh hơn, nhờ công nghệ 5G. Chẳng hạn kết nối 3D từ xa hay đo đạc, chẩn đoán về sức khỏe từ xa... Tất cả những chủ đề mà khoa học đặt ra rất lâu rồi sẽ có thể được hiện thực hóa bằng 5G.
Đại diện MobiFone khẳng định doanh nghiệp sẽ nỗ lực khơi nguồn doanh thu đồng hành cùng đối tác. Doanh nghiệp có những công cụ đo đạc chất lượng dịch vụ, khả năng phòng chống gian lận hiệu quả. Doanh nghiệp cũng có khả năng đồng bộ hóa dữ liệu. Hiện tiêu chuẩn áp dụng đã rất tốt nhưng còn một khoảng cách với thực tế thị trường. Với những mô hình kinh doanh hiện tại, với những dịch vụ truyền thống, nhà mạng sẽ đưa dịch vụ đến thẳng thuê bao. Tuy nhiên với những mô hình, lĩnh vực mới, MobiFone cũng sẽ linh hoạt thiết lập hợp tác sao cho phù hợp nhu cầu các bên và diễn biến thị trường.
Tiếp nối ông Nguyễn Minh Quân - Giám đốc chiến lược sản phẩm, ngành hàng thiết bị di động của Công ty Điện tử Samsung Vina cho rằng để triển khai 5G phổ biến, cần trải qua ba giai đoạn: giới thiệu tại các thị trường, triển khai kỹ thuật và cuối cùng là chính sách phổ cập. Qua ba giai đoạn, người dùng có thể trải nghiệm 5G trên tất cả thiết bị, trong một hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ công nghệ trên nền tảng kết nối mới.
Trên hành trình đó, Samsung với tư cách tập đoàn dẫn đầu thế giới về công nghệ, bên cạnh sở hữu những công nghệ chipset 5G, thiết bị mạng, hệ sinh thái... tập đoàn còn sở hữu công nghệ về camera 8K, chipset hỗ trợ thiết bị tuy nhỏ gọn nhưng công suất ngang tầm máy tính. Hãng cam kết cung cấp thiết bị thuộc phân khúc giá đa dạng để mang 5G đến với đông đảo người dùng. Tập đoàn cũng hợp tác đối tác lớn như Google, Netflix, Microsoft, Spotify... để mang đến trải nghiệm công việc, giải trí tối đa.
Ông Đặng Kim Long - Giám đốc truyền thông Huawei Việt Nam lý giải về việc nhiều nhà mạng sử dụng thiết bị của Huawei, ông Đặng Kim Long cho biết hãng đã đầu tư nghiên cứu 5G từ nhiều năm trước. Đồng thời, công ty cũng dành 15% tổng doanh thu cho hoạt động R&D, đầu tư 4,5 tỷ USD cho công nghệ 5G, nắm giữ 20% tổng số lượng bằng sáng chế về 5G trên thế giới. Cùng với đó, khi bắt đầu nghiên cứu công nghệ 5G, Huawei nghiên cứu từ công nghệ về chip, tiêu chuẩn, vật liệu mới cho công nghệ 5G.
Ở góc độ người tiêu dùng, qua triển khai 5G thương mại, có thể thấy người tiêu dùng đang rất háo hức. Trong tương lai khi thiết bị đầu cuối 5G được phổ cập với giá rẻ, mức độ sẵn sàng của người dùng sẽ tăng cao. Trên góc độ nhà cung cấp công nghệ như Huawei, 5 năm trước khi 5G đang được nghiên cứu, ông Đặng Kim Long từng hỏi: 5G khác gì thế hệ trước? Câu trả lời là khi triển khai 5G, các nhà cung cấp công nghệ hay thiết bị sẽ phải làm việc cùng nhà mạng và đối tác để xây dựng phát triển ứng dụng. Điều này chưa từng có với 4G hay các thế hệ trước. Thực tế hiện tại Huawei đã kết hợp xây dựng những "open lab" để cùng các nhà mạng, nhà phát triển ứng dụng, đối tác ICT cùng tham gia tìm hiểu mô hình ứng dụng cho các ngành, lĩnh vực khác nhau. Câu chuyện sẵn sàng ứng dụng đòi hỏi sự kết hợp của các bên.
Trong khi đó các nhà mạng đã nhận ra phải cởi mở. 5G chỉ có thể thành công khi có những dịch vụ sáng tạo dựa trên 5G, khi được nhúng vào các ngành khác nhau, khi các bên hợp tác chặt chẽ.
Ông Văn Bá Luýt - Giám đốc Sản phẩm Oppo Việt Nam chia sẻ về hành trình nghiên cứu 5G cũng như thử nghiệm 5G tại Việt Nam của Oppo. Theo đó, Oppo có 7 năm nghiên cứu tại thị trường Việt Nam, cam kết phủ rộng hệ thống 5G tại thị trường này.
Trong thời gian tới, Oppo mong muốn đẩy mạnh mang thiết bị 5G với người dùng. Trong quý I, hãng ra mắt smartphone tầm trung hướng đến giới trẻ. Smartphone mới giúp người dùng tiếp cận công nghệ tương lai, bao gồm công nghệ 5G. Ngày 30/12 vừa qua, đã có hơn 30.000 người đặt hàng smartphone Reno5 chính thức lên kệ từ 10/1 bổ sung công nghệ 5G để phục vụ người dùng. Bên cạnh trải nghiệm smartphone với tính năng cơ bản, Reno5 5G có thể đáp ứng những nhu cầu cao hơn, xa hơn của người dùng Việt Nam.