"Các sĩ quan đồng loạt rời Đội Phản ứng Khẩn cấp (ERT) hôm 5/6 để thể hiện ủng hộ đồng đội và kinh tởm việc hai sĩ quan bị đình chỉ công tác mà không có lương. Họ chưa nghỉ việc tại sở cảnh sát", chủ tịch Hiệp hội Cảnh sát Nhân từ Buffalo John Evans cho biết.
Công tố viên hạt Erie, bang New York, Mỹ, đang điều tra vụ hai sĩ quan ERT dùng dùi cui và tay không đẩy mạnh một người biểu tình da trắng cao tuổi hôm 4/6. Người này ngất gục trên đất và bắt đầu chảy máu đầu. Phần lớn cảnh sát vẫn tiếp tục tiến bước qua người đàn ông bị thương, trong khi sĩ quan đẩy ông chỉ nhìn qua và bị đồng nghiệp đẩy ra ngoài. Một vài người đã nói: "Hãy gọi bác sĩ".
Cảnh sát nói rằng một người đã bị thương sau khi vấp ngã. Tuy nhiên, sau khi xuất hiện video, cảnh sát trưởng Buffalo Byron Lockwood đã yêu cầu đình chỉ và điều tra về hành vi quá mức cần thiết của hai sĩ quan. Thống đốc New York Andrew Cuomo kêu gọi Sở cảnh sát Buffalo sa thải hai cảnh sát này, cho rằng hành động của họ "quá phản cảm và đáng sợ".
Mark Poloncarz, người đứng đầu chính quyền hạt Erie, cho biết ông đặc biệt thất vọng với quyết định từ chức hàng loạt vì "nó thể hiện các sĩ quan không thấy điều gì sai trái với hành động đó". Thị trưởng thành phố Buffalo Byron Brown thông báo đã có các kế hoạch dự phòng để duy trì hoạt động của lực lượng cảnh sát trong lúc giải quyết vấn đề.
Công đoàn cảnh sát Buffalo bênh vực hành động của hai sĩ quan, cho rằng họ chỉ đang thực hiện mệnh lệnh giải tán khu vực để chuẩn bị áp đặt lệnh giới nghiêm.
Nạn nhân Martin Gugino, 75 tuổi, là nhà hoạt động nổi tiếng trong cộng đồng. Ông bị thương nặng nhưng đang nằm viện trong tình trạng ổn định. Sự việc gây ra làn sóng lên án mạnh mẽ trên mạng xã hội khi những người biểu tình ở các thành phố Mỹ vẫn đổ xuống đường để phản đối các hành vi tàn bạo của cảnh sát.
Biểu tình ở Mỹ đã lan khắp 50 bang sau khi George Floyd, một người đàn ông da màu, bị cảnh sát ghì chết hôm 25/5. Các cuộc biểu tình nâng lên thành đấu tranh chống phân biệt chủng tộc khi ký ức về những cái chết thương tâm và bất công của người da màu được khơi dậy.
Vũ Anh (Theo Washington Post)