Năm 2025 đánh dấu cột mốc đặc biệt của Minh Long. Đầu tháng 1, hãng khánh thành bảo tàng gốm sứ 120.000 m2, trưng bày những hiện vật đặc biệt nhất Việt Nam. Đến ngày 12/1, hãng gốm sứ Việt tiếp tục tổ chức lễ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập với hàng trăm khách mời là những đối tác, người đồng hành của đơn vị qua nửa thế kỷ.
Trên sân khấu, ông Lý Ngọc Minh - Chủ tịch Hội đồng thành viên, cũng là nhà sáng lập gọi hành trình 55 gian truân mà cũng đầy cảm hứng. Từ giấc mơ thuở niên thiếu, ông tiếp nối truyền thống gia đình, tạo ra nhiều bước tiến cho gốm sứ Việt.
Nửa thế kỷ thay đổi ngành gốm sứ
Mở đầu sự kiện, ông Lý Ngọc Minh điểm lại những thăng trầm suốt 55 năm gây dựng hãng gốm sứ. Năm ông tròn 12 tuổi, dự triển lãm ở Lái Thiêu, lần đầu biết gốm sứ cũng có thể chế tác thành những tác phẩm tinh xảo. "Khoảnh khắc đó thắp lên trong tôi ước mơ tạo ra cuộc cách mạng cho ngành gốm sứ Việt", vị doanh nhân nói.
Ông Minh nói rằng ước mơ sẽ chỉ luôn ở đó, nếu không hành động. Với ông, bước ngoặt của cuộc đời đến khi mẹ dành ra 3 lượng vàng - gần như toàn bộ tài sản gia đình ngày ấy, để ông cùng bạn tự mua màu, tìm đất, mở "phòng thí nghiệm". Từ phòng thí nghiệm này, vị nghệ nhân bắt đầu tự học, nghiền ngẫm, đi khắp các nước châu Á, châu Âu - những nơi công nghệ sứ đạt đỉnh cao như Đức, Nhật Bản, Trung Quốc và gây dựng Minh Long.
Từ nhà máy bằng tre nứa, nhà máy Minh Long trở thành công trình hiện đại với khối văn phòng, nhà xưởng trong khuôn viên 120.000 m2, trải qua đến 5-6 tự đập bỏ để xây dựng lại từ đầu. Sau ba thập niên nghiên cứu, Minh Long hoàn thiện công nghệ nung một lần ở nhiệt độ 1.380 độ C, theo tiêu chuẩn cao nhất của Đức. Đi cùng là hệ thống máy móc tự động hóa, tự chủ toàn bộ quy trình: làm đất - men - khuôn - giấy hoa - điện cơ khí. Những sản phẩm gốm sứ của Minh Long vượt trội về chất lượng, được chọn làm tặng phẩm cho hơn 50 quốc gia trên thế giới.
Khi đã đạt các công nghệ chế tác hiện đại nhất, Minh Long mở rộng dải sản phẩm đến dòng sứ dưỡng sinh. Chủ tịch hãng gốm sứ lý giải, dưỡng là nuôi dưỡng, sinh là sự sống, tức dải sản phẩm góp phần nuôi dưỡng sự sống. Ông mong cải thiện sức khỏe cộng đồng, chung tay cho tương lai bền vững, bởi "hạnh phúc không thể đạt đến nếu thiếu sức khỏe". Hàng loạt sản phẩm lần đầu xuất hiện trong ngành sứ như nồi dưỡng sinh chịu được sốc nhiệt toàn phần 800 độ C thậm chí 900 độ C, có thể sử dụng trên bếp từ; đũa sứ; ly dưỡng sinh... Nhà sáng lập Minh Long gọi ly dưỡng sinh là món quà sức khỏe, kỳ vọng thay thế thói quen dùng ly nhựa, thải rác ra môi trường.
Ở cột mốc 55 năm, Minh Long lại một lần tạo dấu ấn trong ngành gốm sứ, với việc khánh thành bảo tàng lưu giữ những hiện vật độc đáo nhất Việt Nam. Nơi đó có bức phù điêu dài 99 m, cao 9 m, kể đời sống nghìn năm đất Việt; chén ngọc 4,5 m đúc liền khối; đèn chùm 1 tấn; dàn nhạc cụ; trang sức bằng sứ... Những tác phẩm kỷ lục này được mà Minh Long chế tác suốt 20 năm, gửi kỳ vọng lưu giữ di sản văn hóa Việt trải dài nhiều thế hệ.
"Mỗi tác phẩm kết hợp kỹ thuật - nghệ thuật - mỹ thuật - văn hóa, là câu chuyện sống động về tinh thần sáng tạo, ẩn chứa triết lý nhân sinh của một người suốt đời đam mê gốm sứ cùng đội ngũ", ông Lý Ngọc Minh giới thiệu về không gian bảo tàng.
Gìn giữ nghìn câu chuyện dưới mái nhà
Cùng với cuộc cách mạng trong ngành gốm sứ, Minh Long còn điểm lại 5 giá trị cốt lõi, là những "điểm chạm" với người dùng suốt 55 năm qua: dung dưỡng, lưu truyền, son sắt, ấm êm, giao hảo.
Bằng các màn biểu diễn hoạt cảnh, đơn vị mô tả ý nghĩa của các giá trị cốt lõi này một cách trực quan. Đầu tiên là giá trị dung dưỡng, thể hiện qua bộ sứ dưỡng sinh Minh Long. Ông Lý Huy Sáng, Tổng giám đốc Minh Long cho biết chén, nồi mang đến những bữa cơm hàng ngày, nuôi dưỡng mỗi người lớn lên. Chiếc nồi sứ dưỡng sinh của Minh Long với vật liệu lành tính, không chứa chất độc hại, nấu ra những món ăn ngon lành, tốt cho sức khỏe, được ông Sáng ví như hình ảnh người mẹ hiền lành, luôn muốn dành cho con những điều tốt đẹp nhất.
Hoạt cảnh thứ hai truyền tải giá trị ấm êm, thông qua mâm cơm nhà. Theo đơn vị, hình ảnh những chiếc chén sứ xếp chồng vừa khít vào nhau, đứng vững chãi không lung lay rồi sau đó được bày ra cạnh bên cơm nóng, thức ăn ngon gợi lên sự bình yên và êm ấm. Mâm cơm chứng kiến hành trình trưởng thành của mỗi người, cũng là nơi sẻ chia giữa các thành viên mỗi ngày. "Sản phẩm Minh Long cũng như một thành viên luôn bên cạnh và chứng kiến mọi thăng trầm trong mỗi gia đình Việt, qua nhiều thời kỳ, thế hệ", ông Sáng nói.
Chương ba mang tên son sắt, gửi đến câu chuyện về sự gắn kết, thủy chung vợ chồng, thể hiện qua màn hợp tấu với đàn bầu sứ được chế tác độc quyền bởi Minh Long. Theo hãng, đàn bầu gắn liền với sự tích về tấm lòng son sắt của người vợ chờ chồng viễn chinh. Kết hợp trong tiết mục còn có họa tiết hoa dương xỉ và linh vật rồng phượng biểu trưng của hãng, lột tả triết lý đồng thuận, thủy chung.
Giá trị giao hảo là chương thứ 4, thể hiện qua màn kết hợp nhạc cụ tây phương - violin và nhạc khí truyền thống - sáo, đều chế tác bởi Minh Long. Qua đó, hãng gửi thông điệp về hành trình sáng tạo, làm mới những giá trị văn hóa truyền thống, để mọi người đó thêm hiểu và cảm mến những giá trị Việt.
Chương cuối của hoạt cảnh mang tên lưu truyền, kể về sự kế truyền và lưu giữ những tinh hoa truyền thống trong bối cảnh hiện đại, qua màn song tấu đàn tranh và đàn nhị sứ, cũng tạo ra bởi Minh Long. Ông Sáng cho biết, các hoa văn trên sản phẩm sứ của Minh Long chứa đựng nhiều giá trị văn hóa. Nếu cùng nhau lưu giữ và truyền lại cho các thế hệ sau, thì dù đời sống có thay đổi, nét văn hóa dân tộc vẫn sẽ mãi vững bền.
Khép lại sự kiện, nhà lãnh đạo Minh Long cho biết sau chặng đường 55 năm, hãng có nhiều bước tiến, mở rộng ngành hàng nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao đời sống tinh thần, sức khỏe cho người dùng. Minh Long hiện diện trong những khoảnh khắc đáng nhớ, để bếp nhà luôn ấm lửa, tràn hạnh phúc. Thổi hồn vào từng thớ đất, hãng tạo tác thành món biếu phẩm cho bạn bè, đối tác, thay lời chúc yêu thương, giao hảo. "Minh Long sẽ luôn kiên trì với triết lý tạo ra những tác phẩm tinh xảo, góp phần giữ hồn Việt trong mỗi nếp nhà", ông Sáng nhấn mạnh.
Lê Minh