Tỷ lệ này ở các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất, Thanh Trì, Gia Lâm lần lượt là: 91, 82, 81, 78, 75,4%. Các huyện đều có đơn vị vệ sinh môi trường thực hiện công tác, thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt.
Mới đây, UBND Hà Nội ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND về việc tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án cấp nước sạch khu vực nông thôn trên địa bàn thành phố. Theo đó, các nhà đầu tư tập trung nguồn lực, khẩn trương triển khai thực hiện các dự án phát triển nguồn, mạng cấp nước đã được thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư.
Để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào dự án cấp nước nông thôn, UBND thành phố hỗ trợ nhà đầu tư lựa chọn công nghệ tiên tiến, hiện đại, thành phố kiểm soát về công nghệ, chất lượng nước, bảo đảm cung cấp cho nhân dân đối với dự án đầu tư nước sạch tại Ba Vì, Sơn Tây, Mỹ Đức...
Đồng thời, thành phố giới thiệu ngân hàng cho vay vốn với lãi suất ưu đãi; hỗ trợ thủ tục đầu tư, bảo đảm thông thoáng, nhanh gọn. Trong quá trình thực hiện, cho phép nhà đầu tư vừa khảo sát, vừa thi công ngay khi thiết kế được duyệt.
Về vấn đề cung cấp nước sạch cho người dân, thị xã Sơn Tây đã ban hành nghị quyết phân công, chỉ đạo các xã, đoàn thể tuyên truyền cho người dân về lợi ích của việc sử dụng nước sạch với sức khỏe, đảm bảo vệ sinh môi trường, gắn việc sử dụng nước sạch nông thôn với chương trình xây dựng nông thôn mới.
Thị xã tuyên truyền vận động, tạo điều kiện cho người dân đóng góp chi phí lắp đặt đồng hồ nước (chi phí lắp đặt đồng hồ sẽ được khấu trừ vào tiền nước sử dụng), phối hợp, tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai các dự án phát triển mạng lưới cấp nước theo kế hoạch năm 2019.
Đồng thời, huyện cũng chỉ đạo các Phòng, ban chuyên môn, thanh tra xây dựng huyện, phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án cung cấp nước sạch, đảm bảo chất lượng, vệ sinh môi trường, an toàn lao động, sớm đưa công trình vào khai thác vận hành góp phần nâng cao sức khỏe, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân.
Hiện nay, việc cấp nước sạch nông thôn vẫn còn nhiều bất cập. Theo thống kê của Ban đô thị, HĐND thành phố Hà Nội, trên địa bàn có 32 trạm cấp nước sạch nông thôn không hoạt động do công trình đầu tư dang dở hoặc bị xuống cấp.
Cụ thể, khởi công năm 2011 với công suất 2.000 m3 mỗi ngày đêm, song trạm cấp nước ở huyện Mỹ Đức đang bỏ hoang, nhiều hạng mục xuống cấp.
Đây là dự án diện tích hơn một ha, có tổng kinh phí 43 tỷ đồng, trong đó 17 tỷ đồng từ ngân sách thành phố Hà Nội nhằm cấp nước sạch cho hơn 10.000 người dân của thị trấn.
Hiện, có 87 trạm đang hoạt động với tổng công suất khoảng 70.000m3/ngày đêm, cấp nước ổn định cho khoảng 100.000 hộ dân, chiếm 10% số dân sử dụng nước sạch trên toàn thành phố.
Đại diện UBND Hà Nội cho biết, một trong số những nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế, xã hội của thành phố là công tác phát triển hạ tầng, kỹ thuật. Trong đó, hệ thống cấp nước sạch, thu gom xử lý nước thải, vệ sinh môi trường là nhiệm vụ quan trọng.
Hiện, nhu cầu sử dụng nước sạch ở Thủ đô là lớn. Tổng công suất nguồn tập trung của thành phố đạt trên 1.200.000m3/ngày đêm (nguồn nước ngầm trên 600.000 m3 mỗi ngày đêm, nước mặt khoảng 600.000m3/ngày đêm), đảm bảo nguồn nước sạch cung cấp cho nhân dân khu vực đô thị với chỉ tiêu 120 - 150 lít một người mỗi ngày.
Để phát huy tối đa công suất các nguồn cung cấp hiện có, UBND thành phố đã giao các nhà đầu tư tập trung nguồn lực triển khai các dự án phát triển mạng cấp nước cho khu vực nông thôn, mục tiêu nâng tỷ lệ người dân được cấp nước sạch từ 55,5% lên khoảng 73-75% trong năm nay, đến năm 2020,100% người dân nông thôn Hà Nội sử dụng nước sạch.
Ngọc Thi