Kể từ khi có vụ sữa nhiễm độc, các bà mẹ Trung Quốc buộc phải chuyển sang cho trẻ bú sữa mẹ. Ảnh: AP. |
Chiều 24/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang chủ trì cuộc họp liên bộ nhằm đưa ra các giải pháp mạnh đối phó với vụ việc sữa nhiễm độc. Ông cho hay, các giải pháp này sẽ được trình Thù tướng ký duyệt. Tuy nhiên, Bộ chưa tiết lộ các giải pháp cụ thể.
Trong một động thái được cho là cấp thời, Phó chánh thanh tra Bộ Y tế, Đỗ Đức Nhường, trưởng đoàn kiểm tra sữa tại Hà Nội đã đến Công ty cổ phần sữa Hà Nội ở Mê Linh (HanoiMilk). Ông Nhường cho biết, công ty này có nhập 375 tấn sữa nguyên liệu Trung Quốc, có nhãn mác rõ ràng, không thuộc 22 công ty có sản phẩm chứa melamine đã được công bố. Tuy nhiên đoàn cũng đã lấy mẫu để xét nghiệm tìm hóa chất này.
Đối với 21 mẫu sữa đã thu hồi, đang chờ kết quả xét nghiệm, ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, lý giải việc chậm có kết quả là do năng lực hạn chế của hệ thống labo phân tích. Tuy nhiên, ông Khẩn cũng khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang mà tẩy chay sữa, vì đây vẫn là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho trẻ.
Cho tới lúc này, sữa Trung Quốc đã bị cấm nhập khẩu vào ít nhất 12 quốc gia, hầu hết ở châu Á, trong đó mới nhất là Indonesia. Chính phủ nước này đã đưa ra danh sách 28 sản phẩm có thể chứa sữa độc Trung Quốc, trong đó có bánh quy Oreo, kẹo chocolate M&M và kẹo thanh Snicker.
Theo AP, một lo ngại khác đang gia tăng là các loại protein có nguồn gốc thực vật. Giới chức Đài Loan cho biết ít nhất 7 công ty của lãnh thổ này đã nhập khẩu protein độc Trung Quốc. Họ cho biết loại protein này được làm từ ngô hoặc các loại rau củ khác, nhưng có thể được trộn với sản phẩm sữa nhiễm độc để nâng cao hương vị.
Trong khi đó, Hong Kong và Macau cũng thông báo 3 trường hợp trẻ em bị ốm nghi do uống sữa độc. Trong đó có một bé gái 16 tháng tuổi ở Macau, bị chẩn đoán mắc bệnh thận sau khi ăn sữa bột Nestle sản xuất tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. 2 em nhỏ khác, 2 tuổi và 9 tuổi, sinh ra ở Hong Kong nhưng lớn lên ở Trung Quốc. Một em dùng sữa Yilivà San Lu, em còn lại uống sữa của tập đoàn Mengniu trong 4 năm.
Một vài sản phẩm của 3 tập đoàn này đã được xác nhận là chứa melamine.
Minh Thùy - T. An