Ngoài số cán bộ, chiến lực lượng công an từ chối nhận hối lộ trên, "một cán bộ nộp lại quà tặng trị giá 3,6 triệu đồng", báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2024 nêu.
Chính phủ cho biết, nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động rà soát và hoàn thiện hệ thống quy định về quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn. Công tác kiểm tra, giám sát đã được triển khai rộng khắp, phát hiện và xử lý gần 1.100 trường hợp vi phạm trong số hơn 86.400 cơ quan, tổ chức, đơn vị được kiểm tra.
Trong năm 2024, khoảng 31.700 người phải kê khai tài sản lần đầu; hơn 470.000 người đã kê khai hàng năm. Hơn 592.000 bản kê khai tài sản được công khai và hơn 16.000 người được yêu cầu xác minh tài sản thu nhập. Trong đó, gần 8.900 người có sai sót về kê khai sai mẫu, chưa bảo đảm theo hướng dẫn, không đầy đủ thông tin, chậm nộp bản kê khai so với quy định; 19 người bị kết luận kê khai không trung thực và bị xử lý kỷ luật với các hình thức xóa tên khỏi danh sách ứng cử, cảnh cáo, cách chức...
Tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp sáng 6/9, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường đánh giá việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ có kết quả, song còn nhiều hạn chế. Công tác xác minh còn vi phạm về thực hiện trình tự, thủ tục, nội dung kê khai.
Qua xác minh, các cơ quan phát hiện một số trường hợp kê khai không trung thực, song kết quả phát hiện, xử lý các trường này chưa tương xứng với thực tế, "khiến dư luận bất bình". Nhiều trường hợp sau khi cơ quan cảnh sát điều tra khám xét thì mới phát hiện khối tài sản lớn không kê khai, không rõ nguồn gốc.
Ông Cường cho rằng công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ không hiệu quả. Rất ít vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện qua tự kiểm tra. Công tác giám định, định giá tài sản phục vụ giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế chưa có nhiều chuyển biến. Giá trị tài sản phải thu hồi còn tồn đọng lớn.
Theo ông, vụ án tham nhũng, tiêu cực có sự cấu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hóa, biến chất trong bộ máy nhà nước với các doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi. Tài sản tham nhũng có giá trị lớn, có yếu tố nước ngoài. Việc triển khai biện pháp phòng ngừa tham nhũng đã được quan tâm song nhiều biện pháp mang tính hình thức. Điển hình là các vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty Cổ phần tập đoàn Thuận An và các đơn vị liên quan.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp kiến nghị Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao hoàn thiện pháp luật chống lợi ích nhóm, khắc phục bất cập về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Ông Cường cũng đề nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng, đấu thầu, hoạt động ngân hàng, quản lý tài nguyên, khoáng sản, quản lý tài sản công.