Tại làng hoa Thái Phiên (phường 12, TP Đà Lạt), khoảng một tháng qua có hàng trăm hecta cúc bị nhiễm virus sọc thân khiến cây không thể phát triển và dần chết đi buộc nhà vườn phải nhổ bỏ toàn bộ.
Bà Nguyễn Thị Lan cho biết gia đình đã mất trắng 3 sào hoa cúc (3.000 m2) với số tiền bỏ ra khoảng 120 triệu đồng. "Lúc đưa giống về trồng, cây phát triển bình thường. Sang tuần thứ 3 trở đi khi cắt chong đèn thì thấy cây chững lại, còi cọc. Lá và rễ thối dần và chết cây. Bệnh lây lan rất nhanh", bà Lan nói.
Tương tự, tại thị trấn Lạc Dương, hàng trăm hộ trồng hoa cúc cũng điêu đứng khi bao nhiêu công sức, tiền bạc đầu tư mất sạch trong nháy mắt.
Chị Trần Thị Túy cho biết có 8 sào hoa cúc, tiền đầu tư mỗi sào hết 50 triệu đồng. Từ ngày thấy cây bắt đầu héo rũ, chị bỏ tiền mua thuốc về phun để cứu vãn nhưng không sao ngăn được tình hình. "Mình cứ phun mà cây vẫn cứ chết. Tiền không thu được một đồng. Sắp tới tôi phải chuyển sang cây trồng khác, không thể trồng cây bông cúc này được nữa", chị than thở.
Ông Lại Thế Hưng, Trưởng chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng cho biết, hiện toàn tỉnh có khoảng 500 ha (trong tổng số 1730 ha) hoa cúc bị nhiễm virus sọc thân. Diện tích hoa bị nhiễm bệnh chủ yếu tập trung tại Đà Lạt và huyện Lạc Dương. Đây là lần thiệt hại nặng nhất do bệnh này gây ra.
Theo ông Hưng, bệnh này xuất hiện từ năm 2018, đặc điểm phát sinh mạnh vào tháng 4, 5 do nhiệt độ tăng cao, hiện chưa có thuốc đặc trị. Tuy nhiên, virus này không truyền trực tiếp từ cây này sang cây khác mà qua côn trùng trung gian - bọ trĩ. Những cây bị bệnh thường không phát triển, thân, lá bị sọc vàng, thối rễ.
Khi phát hiện cây nhiễm bệnh, chủ vườn cần nhổ bỏ và đem tiêu hủy để hạn chế bọ trĩ từ cây bệnh tấn công cây khỏe mạnh. "Để ngăn ngừa bệnh, người dân phải chú trọng lấy cây giống ở những vườn ươm uy tín, chất lượng, vườn ươm có hệ thống lưới chống bọ trĩ...", ông Hưng khuyến cáo.
Duy Khôi