Thứ sáu, 8/11/2024
Thứ hai, 31/8/2020, 08:25 (GMT+7)

500 công nhân cải tạo đường băng Tân Sơn Nhất

TP HCMHàng trăm công nhân thi công ngày lẫn đêm tại sân bay Tân Sơn Nhất để kịp đưa đường băng vào vận hành, khai thác trước Tết Nguyên đán 2021.

Sau hai tháng huy động nhiều công nhân máy móc khởi công nâng cấp đường bằng 25R/07L Tân Sơn Nhất, dự án hiện đạt 41% khối lượng, vượt 18% so với dự kiến.

Sân bay Tân Sơn Nhất có hai đường băng song song. Đường 25R/07L trong lúc cải tạo, máy bay sẽ cất hạ cánh trên đường băng còn lại là 25L/07R, dài 3,8 km, rộng 45 m. Quá trình thi công đường băng cũng được yêu cầu tuyệt đối an toàn, đảm bảo hoạt động tại sân bay liên tục.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, sẽ nâng cấp đường cất hạ cánh 25R/07L; xây mới các đường lăn thoát nhanh, đường lăn song song; nâng cấp các đoạn đường lăn nối, công trình quản lý bay, đèn tín hiệu, hệ thống thoát nước... Thời gian thi công chia làm hai giai đoạn, đầu tiên trong 6 tháng, sau đó là 14 tháng.

Để dự án hoàn thiện vào tháng 11 và phục vụ cao điểm Tết Nguyên đán 2021, hiện trên công trường, các công nhân tất bật làm việc.

Nhóm công nhân thi công kết cấu mặt bêtông trên đường băng.

Ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long - đơn vị thay Bộ Giao thông Vận tải quản lý dự án - cho biết, trên công trường mỗi ngày hiện có khoảng 500 công nhân, chia thành 12 mũi thi công ngày đêm.

Anh Lê Văn Khôi đóng cây chịu lực cho phần thi công kết cấu mặt bêtông. "Buổi trưa nhiệt độ ngoài trời ở sân bay rất nóng nhưng để công trình hoàn thành đúng tiến độ được giao nên ai cũng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ", anh nói.

Anh Nguyễn Văn Hảo dùng bao bố che bề mặt bêtông vừa được thi công để bảo dưỡng, tránh ánh nắng mặt trời ảnh hưởng tới công trình.

Theo đơn vị quản lý, phần thi công kết cấu mặt bêtông được yêu cầu nhiệt độ không quá 35 độ C nên chủ yếu thực hiện ban đêm.

Nhiệt độ ngoài trời vào buổi trưa thường trên 35 độ, bà Cao Thị Lương (45 tuổi) phải dùng vòi phun nước để làm mát, bảo dưỡng chất lượng đường băng mới đổ bêtông.

Anh Thành Nam, phụ trách bộ phận cắt bêtông di chuyển máy để kịp tiến độ cho các hạng mục khác trên đường băng.

Hiện đơn vị thi công cho máy cào bóc toàn bộ lớp bêtông nhựa của đường băng, bề rộng gần 46 m, dài 3,4 km và tăng cường kết cấu bêtông xi măng với bề dày khoảng 40 cm.

Trên đường băng đang thi công, đơn vị khai thác bay đặt chữ X để phi công khi hạ cánh xuống đường băng còn lại có thể nhận biết từ khoảng cách 3 dặm bay. Đây là quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới (ICAO).

Do ảnh hưởng Covid-19, số chuyến bay tại Tân Sơn Nhất giảm và là điều kiện thuận lợi để thi công sớm các đường lăn ở đầu hai đường băng.

Anh Hoàng Văn Dương bịt kín mặt mũi, mặc đồ bảo hộ để hàn dầm sắt tại công trường.

"Đây là một trong những dự án trọng điểm của đất nước nên tôi và các đồng nghiệp đều làm việc hết mình. Sau khi công trình hoàn thành, mỗi lần đi máy bay về thành phố, tôi sẽ nhớ mãi đã góp một phần sức lực vào việc cải tạo đường băng này", ông Toản, 47 tuổi, quê Nghệ An cho biết.

Từ năm 2017 đến nay, các đường băng Tân Sơn Nhất và Nội Bài bị xuống cấp và ngày càng nghiêm trọng do phải khai thác vượt tần suất thiết kế, tiếp nhận nhiều loại máy bay thế hệ mới có tải trọng và áp suất bánh hơi lớn như Airbus A350-900, Boeing B787-9 và B787-10.

Hôm 29/6, dự án cải tạo đường băng Tân Sơn Nhất thực hiện cùng lúc với dự án cải tạo đường băng Nội Bài ở Hà Nội. Đường băng Tân Sơn Nhất sau khi nâng cấp, cải tạo sẽ đảm bảo an toàn khai thác, nâng công suất phục vụ đến 50 triệu hành khách mỗi năm.

Tiến độ thi công đường băng Tân Sơn Nhất
 
 

Cào xới đường băng Tân Sơn Nhất hồi tháng 7. Video: Thanh Huyền - Vũ Thịnh.

Hữu Khoa