Ngày 20/6, The Elec (Hàn Quốc) dẫn các thống kê cho biết Samsung đang có gần 50 triệu điện thoại thông minh nằm trong kho của các nhà phân phối. Năm 2022, hãng đặt mục tiêu xuất xưởng 334 triệu smartphone, sau đó điều chỉnh xuống khoảng 270 triệu máy và lượng hàng tồn tương đương 18% số này, phần lớn là Galaxy A.
Giới chuyên gia nhận định, việc tồn kho hàng triệu điện thoại là điều tương đối bình thường. Samsung thường đặt mục tiêu duy trì ở mức 10% sản lượng điện thoại hàng năm của mình trong kho nhà phân phối. Tuy nhiên, con số hiện tại gần gấp đôi, tức đáng lẽ là 27 triệu hàng có sẵn, thay vì 50 triệu.
Theo The Elec, trong hai tháng đầu năm, Samsung sản xuất khoảng 20 triệu smartphone mỗi tháng. Tuy nhiên vào tháng 5, con số này giảm một nửa xuống 10 triệu đơn vị. Điều này cho thấy hãng đang đối mặt với gánh nặng từ hàng tồn kho quá lớn và nhu cầu của thị trường bị giảm mạnh.
Các đơn đặt hàng linh kiện của Samsung với các nhà cung cấp cũng giảm 30-70% từ tháng 4 đến tháng 5. Theo một báo cáo của Nikkei Asia, Samsung đã ngừng các đơn hàng mới cho đến cuối tháng 7. Các nhà phân tích lo ngại việc một công ty đầu ngành như Samsung ngừng mua sắm linh kiện, giảm sản xuất sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý của toàn thị trường.
Pulse News cho biết những người đứng đầu Samsung Electronics và các công ty con chủ chốt đã tổ chức cuộc họp kéo dài 8 giờ vào ngày 20/6, thảo luận về các yếu tố rủi ro toàn cầu và phương hướng kinh doanh trong tương lai. Trong cuộc họp, những người tham gia liên tục nhắc đến những cụm từ như "thay đổi đột ngột", "khủng hoảng", "công nghệ", "nguồn nhân lực". Phó chủ tịch Samsung Electronics Jay Y. Lee nhấn mạnh: "Công nghệ là nhu cầu cấp thiết và phải là vấn đề tiên phong".
Samsung không phải nhà sản xuất duy nhất đối mặt tình trạng tồn kho cao. Tuần trước, trả lời The Paper, đại diện Oppo cho biết ngành hàng smartphone đang cung cấp đủ, thậm chí dư thừa so với nhu cầu của thị trường.
Sina cũng dẫn lời Xu Qi, Phó chủ tịch Realme, rằng cuộc khủng hoảng chip và chuỗi cung ứng không còn là thách thức với ngành di động. Công ty này đang có kế hoạch giảm 10% mục tiêu doanh số năm 2022 vì nhu cầu của người dùng thấp hơn dự tính. Báo cáo trong quý I/2022 tại Trung Quốc cho thấy doanh số của Oppo giảm 37,6%, Vivo giảm 29,9%, Apple giảm 1,3% và Xiaomi giảm 22,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các thống kê đều cho thấy nhu cầu smartphone toàn cầu đã sụt mạnh trong nửa đầu năm. Ảnh hưởng của dịch bệnh, xung đột Nga - Ukraine, lạm phát tăng cao... trong khi smartphone không đột phá khiến người dùng ngại lên đời điện thoại.
Khương Nha