Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc và giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019), VnExpress có cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Cao Đình Kiếm, Chính uỷ Bộ tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (Bộ tư lệnh).
- Bộ tư lệnh đã từng bước làm chủ công nghệ bảo quản thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh như thế nào trong 50 năm qua?
- Từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời ngày 2/9/1969 đến nay, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Bộ tư lệnh (tiền thân là Đoàn 69), nhất là các cán bộ, kỹ thuật viên y tế viện 69 đã luôn nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn về kinh tế, khoa học kỹ thuật lạc hậu, chiến tranh, thiên tai, với sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô (sau này là Liên bang Nga), từng bước vươn lên học hỏi, tiếp nhận, làm chủ công nghệ gìn giữ thi hài Bác.
Đặc biệt, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, chúng tôi phải tổ chức di chuyển thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh 6 lần nhưng vẫn đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Năm 1991, Liên Xô sụp đổ, tất cả các chuyên gia rút hết về nước, các khoản viện trợ không còn, khiến chúng ta rất khó khăn. Tuy nhiên, sau đó Bộ tư lệnh đã báo cáo cấp trên, cho phép chuyển sang cơ chế quan hệ trực tiếp với Viện Lăng Lênin, nay là Trung tâm nghiên cứu y sinh Matxcova. Chúng ta đã cử chuyên gia sang học tập, hợp tác nghiên cứu. Đến năm 1992, cán bộ của ta đã trực tiếp làm thuốc, chuyên gia Nga chỉ sang hỗ trợ.
Hàng năm, trong đợt làm thuốc lớn, chuyên gia nước bạn đều tham gia giúp đỡ, hướng dẫn chúng ta. Sau này do khó khăn về cơ chế, đi lại nên có những năm chuyên gia sang chậm, hoặc không sang được nên các chuyên gia của chúng ta đã tự làm. Đến năm 1995 thì chuyên gia Nga đã bàn giao hoàn toàn để chúng ta tự chủ. Đó là một nỗ lực lớn của Bộ tư lệnh.
Để chủ động hơn, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, học tập, hợp tác, chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật, tìm cách đàm phán, thuyết phục bạn, đến năm 2004 bạn đồng ý chuyển giao công nghệ pha chế dung dịch cho ta.
Năm 2013, trước sự chứng kiến của Tổng thống Putin và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Ban quản lý Lăng, Bộ tư lệnh bảo vệ Lăng đã ký hợp đồng thoả thuận với đối tác Nga để bàn giao quy trình công nghệ sản xuất bộ quần áo đặc biệt giữ thi hài Bác. Năm 2018 chúng ta đã nghiệm thu và Ban quản lý Lăng đã bàn giao cơ sở sản xuất này cho một nhà máy của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng. Đến nay, Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ việc sản xuất bộ quần áo đặc biệt phục vụ nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác, mà trước đây phải nhập từ Liên bang Nga.
- Đâu là những khó khăn trong việc bảo quản thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong điều kiện thăm viếng thường xuyên, thưa ông?
- Khi Lăng khánh thành ngày 29/8/1975, Đảng, Nhà nước đã quyết định đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về với Ngôi nhà vĩnh hằng và cũng từ đó tổ chức đón khách vào viếng cho đến nay.
Nếu trước đây chỉ giữ gìn, bảo đảm thi hài Bác ở chế độ không tổ chức viếng, thì khi về Lăng tổ chức thăm viếng hàng ngày, thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng, dòng người vào viếng, điều kiện môi trường, nhiệt độ, độ ẩm... sẽ có những tác động không tốt. Vì vậy để không ảnh hưởng đến thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, đội ngũ các bác sĩ, kỹ thuật viên, cán bộ kỹ thuật phải thực hiện nhiều quy trình, thao tác nghiêm ngặt để bảo đảm loại trừ những tác động không tốt.
Mỗi tuần theo quy định, chúng tôi chỉ tổ chức viếng 5 ngày vào buổi sáng, nghỉ 2 ngày vì cần thời gian để giữ gìn bảo quản theo chế độ quy định. Hàng năm, Bộ tư lệnh dành 2, 3 tháng nghỉ viếng để tổ chức duy tu bảo dưỡng toàn bộ Lăng, trong đó có nhiệm vụ chăm sóc thi hài Bác.
Công nghệ gìn giữ, bảo quản thi hài trên thế giới có rất nhiều, từ thời cổ đại, nhất là Ai Cập, nhưng đó là tẩm ướp trong điều kiện giữ gìn ở chế độ không có thăm viếng. Còn chúng ta gìn giữ thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở chế độ thăm viếng thường xuyên. Mặc dù vậy, thi hài của Bác 50 năm qua vẫn được giữ gìn ở trạng thái tốt nhất, những nét như lúc sinh thời vẫn giữ gìn nguyên vẹn như mái tóc, chòm râu, nốt ruồi, nốt đồi mồi...
- Là một đơn vị đặc biệt, việc rèn luyện và thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ Bộ tư lệnh diễn ra hàng ngày như thế nào?
- Chúng tôi luôn xác định tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về ý thức trách nhiệm, vinh dự cho toàn thể đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sỹ khi được làm nhiệm vụ chính trị đặc biệt, bảo vệ, gìn giữ thi hài và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; đón tiếp, hướng dẫn đồng bào và khách quốc tế vào thăm, viếng.
Điều này được lan toả đến tất cả đội ngũ, nhất là đối với những cán bộ, chiến sĩ mới được điều động về đơn vị, thông qua những buổi học tập, chia sẻ. Ở gần Chủ tịch Hồ Chí Minh nhất, chúng tôi yêu cầu từng sĩ quan, chiến sĩ học tập và làm theo tấm gương Bác từ những việc nhỏ nhất, như việc thực hiện đúng 12 chế độ hàng ngày.
Đúng 5h30 báo thức, đi tập thể dục, vệ sinh cá nhân, ăn cơm sáng, tham gia huấn luyện, học tập, làm nhiệm vụ, thể dục thể thao... để 21h00 điểm danh, 21h30 đi ngủ; lễ tiết, tác phong nề nếp sinh hoạt, học tập hàng ngày phải chuẩn chỉ, với mô hình 3 chuẩn mực: "tư duy suy nghĩ, lời nói phát ngôn, hành động việc làm mẫu mực".
Mỗi người cũng phải học Bác tác phong cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Khi làm việc thì phải làm hết sức mình, đạt kết quả, chất lượng công việc tốt nhất, chứ không phải làm cho hết giờ, hết ngày, không tham gia tụ tập trà thuốc, rượu bia, tránh các tai nạn không đáng có trong huấn luyện, sinh hoạt, học tập, tham gia giao thông... vì mỗi cán bộ, chiến sĩ có vấn đề gì thì không chỉ thiệt thòi cho bản thân mà đơn vị cũng ảnh hưởng.
Một người bị tai nạn có khi hàng năm mới hồi phục quay lại làm việc được, vị trí đó bị trống không có người làm. Hơn nữa, ở Lăng, cán bộ, nhân viên, chiến sỹ làm nghi lễ mà bị gãy chân, gãy tay thì rất khó quay lại vị trí cũ vì yêu cầu động tác đi đều, đi nghiêm trước cửa Lăng, khiêng hoa, dẫn khách... đến viếng mà đi lệch chân là không được.
- Bản thân ông học tập và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sao?
- Tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới của Tổ quốc trở về, học xong khoá học sĩ quan, tôi rất hạnh phúc khi được lựa chọn để về Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng. Lúc đầu tôi chỉ được thông báo về đoàn 969, đây là phiên hiệu nên không biết cụ thể việc gì. Theo địa chỉ về đến nơi tôi mới biết là làm nhiệm vụ bảo vệ Lăng, xúc động vô cùng. Đó là năm 1982, cũng vào dịp 2/9.
Những ngày đầu, tôi được phân công làm sĩ quan danh dự đứng trong phòng Bác yên nghỉ. Ca gác 30 phút thay một lần với nhiệm vụ quan sát, hướng dẫn nhân dân vào viếng, đến bây giờ tôi vẫn nhớ mãi cảm giác bồi hồi những ngày ấy. Đến nay, là cán bộ chủ chốt của đơn vị, định kỳ trực chỉ huy, mỗi lần vào kiểm tra chuẩn bị lễ viếng, vào phòng Bác yên nghỉ, cảm giác của tôi vẫn như ngày đầu về đây. Tôi cảm giác như Bác vẫn luôn ở bên cạnh mình, đang nằm ngủ, nên mỗi động tác, cử chỉ đều rất nhẹ nhàng.
Gần 40 năm phục vụ ở đơn vị, học Bác, tôi làm mọi việc bằng cái tâm của mình, đồng thời tích cực học hỏi, trau dồi phẩm chất lối sống, tác phong làm việc, sinh hoạt.
Tôi học Bác tính khiêm tốn, giản dị, làm việc đúng quy định, nghiêm khắc nhưng luôn gần gũi anh em, bảo ban người trẻ, hỗ trợ nhau trong lúc khó khăn. Ai chưa đúng, tôi chân tình nhắc nhở khuyên bảo. Bạn bè, đồng nghiệp đánh giá tôi là người dễ gần, không có khoảng cách.
Tất nhiên, tôi cũng không thật hoàn hảo, đã làm việc thì vẫn có lúc hạn chế, vẫn có khuyết điểm chứ, nhưng phải dám nhìn nhận, biết sửa chữa.
Từ ngày mở cửa Lăng 29/8/1975 đến hết tháng 2/2018, Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đón tiếp, phục vụ hơn 57 triệu lượt người, trong đó có 9,7 triệu lượt khách quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hơn 200 đoàn nguyên thủ quốc gia đã đến viếng Bác.