Số còn lại do suy tim xung huyết hay nguyên nhân tim mạch khác. Thông tin được TS.BS. Hoàng Việt Anh, Viện Tim mạch Quốc gia, cho biết tại Hội thảo khoa học Bệnh viện Bạch Mai nhân kỷ niệm 25 năm thành lập Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến của bệnh viện, ngày 8/12.
Bác sĩ Việt Anh cho biết suy tim là tình trạng tim không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu oxy cho các hoạt động của cơ thể. Suy tim cấp có thể là suy tim mới xuất hiện, cũng có thể là đợt tiến triển nặng lên của suy tim mạn tính gọi là đợt cấp.
Ước tính, trên thế giới khoảng 1-2% dân số mắc suy tim, cứ 1 trong 5 bệnh nhân trên 40 tuổi sẽ phát triển suy tim trong cuộc đời của họ. Việt Nam hiện chưa có nghiên cứu dịch tễ về suy tim, song dựa vào tỷ lệ suy tim trên thế giới, Việt Nam có khoảng 1,6 triệu người mắc.
Suy tim hiện là một gánh nặng lớn đối với chăm sóc y tế toàn cầu. Nguyên nhân tim mạch thường gặp nhất gây tử vong/đột tử cho các bệnh nhân suy tim là suy tim tiến triển và rối loạn nhịp. Nhiều bệnh nhân không được điều trị thuốc tối ưu hoặc không có dụng cụ hỗ trợ, liều thuốc ít hơn so với khuyến cáo.
Tỷ lệ tử vong khi nhập viện 4-10%, còn tỷ lệ tử vong một năm sau xuất viện lên đến 20-30%. Còn sau 5 năm chẩn đoán, con số này là 50%.
"Đặc biệt, suy tim không bao giờ được xem là ổn định", bác sĩ Trần Bá Hiếu, Viện Tim mạch quốc gia, nói, dẫn chứng 60% bệnh nhân tái nhập viện trong 3 tháng đầu tiên sau xuất viện.
Dấu hiệu chính của suy tim thường là khó thở, mệt, phù, đi tiểu ít. Khi lên cơn suy tim cấp, người bệnh vật vã, kích thích, cảm giác thiếu oxy như "chết đuối trên cạn". Các bác sĩ cho biết điều trị suy tim là một quá trình lâu dài và có thể xảy ra nhiều biến cố như suy tim tăng nặng, rối loạn nhịp, nhiễm trùng nặng, tái nhập viện, thậm chí tử vong. Vì vậy, người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ, định kỳ bởi một đội ngũ nhân viên y tế nhằm giảm tỷ lệ tái nhập viện và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Bác sĩ khuyến cáo khi có các dấu hiệu suy tim cấp, người bệnh tuyệt đối không tự điều chỉnh các thuốc đang dùng, có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng. Ví dụ, tiếp tục dùng thuốc hạ huyết áp trong khi huyết áp đang thấp, thuốc chẹn beta giao cảm trong khi nhịp tim chậm, huyết áp tụt, khó thở nhiều hoặc dùng các thuốc có nguy cơ tăng kali máu trong khi đang suy thận cấp.
Người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhà để được đánh giá các dấu hiệu nguy hiểm của suy tim cấp nhằm can thiệp kịp thời, cũng như điều trị nguyên nhân gây ra suy tim cấp. Sau can thiệp, bệnh nhân phải tuân thủ phác đồ điều trị và theo dõi sát về sau.
Lê Nga