Các chuyên gia dự báo chuỗi cung ứng và logistics sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều gián đoạn vào năm 2023, đến từ nền kinh tế, thời tiết, các vấn đề địa chính trị... Dưới đây là các xu hướng logistics trong năm tới.
Số hóa dữ liệu và khả năng hiển thị
Số hóa đang cho phép các công ty khai thác dữ liệu để đẩy nhanh quá trình hoạt động, tăng khả năng hiển thị. Đây vẫn là một trong những thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp hiện nay. Khi người gửi hàng làm việc với nhiều nhà cung cấp, rất khó để biết các cập nhật mới nhất về lô hàng nếu không gọi cho các nhà cung cấp. Rắc rối này làm giảm hiệu quả hoạt động và tăng tỷ lệ lỗi vận chuyển.
Bằng cách số hóa quy trình chuỗi cung ứng và thu thập dữ liệu trong suốt vòng đời của chuyến hàng, người gửi hàng nào cũng có thể quan sát hoạt động toàn bộ lô hàng của họ, giúp tiết kiệm thời gian và năng lượng.
Vào năm 2023, số hóa dữ liệu và khả năng hiển thị sẽ tiếp tục tăng vọt, thậm chí còn nhanh và chính xác hơn.
"Reshoring" và "Nearshoring"
Reshoring (tìm kiếm lại) và nearshoring (tìm kiếm gần) trong ngành này tăng vọt trong 10 năm qua, chủ yếu do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và các mối lo ngại về tính bền vững.
Theo khảo sát của Thomas vào tháng 4/2020, 64% các nhà sản xuất ở Bắc Mỹ sẽ đưa hoạt động sản xuất trở lại châu Mỹ. Nhiều công ty đã chuyển từ châu Á sang Mexico hoặc Mỹ để giảm thời gian vận chuyển và giảm rủi ro xung quanh những thách thức tiềm ẩn. Trong khi đó, quan hệ thương mại Mỹ - Mexico có nhiều lợi thế như khoảng cách gần, cùng múi giờ, sự tương đồng về văn hóa làm việc và lợi thế địa chính trị. Khoảng cách gần cho phép hàng hóa được vận chuyển bằng đường bộ với giá cả cạnh tranh.
Giá dầu diesel tăng
Từ tháng 1 đến tháng 6/2022, giá nhiên liệu diesel tăng 55% tại Mỹ. Cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine là nguyên nhân chính dẫn đến điều này cũng như quy tắc quốc tế IMO 2020 vừa có hiệu lực hồi đầu năm. Trên thực tế, các vấn đề địa chính trị do cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine gây ra đã dẫn đến chênh lệch cung cầu đáng kể trên thị trường thương mại toàn cầu và giá nhiên liệu tăng rất có thể sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP.
Bên cạnh đó, quy tắc quốc tế IMO 2020 yêu cầu dầu nhiên liệu cung cấp năng lượng cho tàu phải có hàm lượng lưu huỳnh không quá 0,5% và đã ảnh hưởng đến giá dầu diesel. Với rất nhiều yếu tố tác động đến giá dầu diesel và các biến động trên thị trường, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa sẽ phải tìm cách thích ứng với việc giá tăng liên tục trong năm 2023.
Vận chuyển bền vững
Đối với ngành vận tải đường bộ, đã có các tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu tối thiểu và tiêu chuẩn khí thải tối đa cho xe chạy bằng xăng, dầu diesel. Các quy định về môi trường ngày càng tăng và áp lực của người tiêu dùng trong việc giảm ô nhiễm, khí thải nhà kính đang được thúc đẩy.
Các công ty logistics cũng sẽ phải báo cáo những rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu. Thông qua việc tối ưu hóa chi phí trong vận chuyển và giảm tác động đến môi trường, hiệu quả có thể được cải thiện.
Tự động hóa
Công nghệ và tự động hóa trong các hoạt động logistics rất quan trọng, để giải quyết các điểm yếu trong ngành và quản lý hàng hóa với chi phí thấp, kịp thời hơn. Theo McKinsey, ngành vận tải và kho bãi có tiềm năng tự động hóa cao thứ ba so với các ngành khác. Trí tuệ nhân tạo, máy học, thị giác máy tính, IoT được kết nối và blockchain đều có thể được áp dụng để đơn giản hóa các hoạt động logistics. Vì vậy, tự động hóa dự kiến sẽ tiếp tục là xu hướng vào năm 2023.
Dù năm 2023 có thể mang đến cho chúng ta những thách thức nhưng đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp trong ngành logistics, chuyển từ trạng thái bị động sang chủ động và từ chế độ tồn tại sang chế độ tăng trưởng. Chúng ta cũng sẽ chứng kiến sự ra mắt của nhiều công nghệ tiên tiến hơn trong lĩnh vực này khi nhiều doanh nghiệp áp dụng máy bay không người lái và robot.
Đối với các nhà sản xuất, reshoring và nearshoring sẽ là ưu tiên hàng đầu trong khi các vấn đề địa chính trị sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng. Một điểm mấu chốt sẽ đưa chúng ta vào năm mới là tầm quan trọng của việc thay đổi tư duy truyền thống để phát triển các chiến lược logistics vững chắc, phù hợp với bối cảnh hiện tại.