Khái niệm về Travel Bubble (Bong bóng du lịch) xuất hiện lần đầu trong một hội thảo bàn về việc khôi phục ngành du lịch do tác động của Covid-19 giữa Australia và New Zealand hồi tháng 4/2020. Đây có thể hiểu là thỏa thuận giữa hai hoặc nhiều nước mở cửa biên giới cho du lịch mà không cần áp dụng các biện pháp cách ly nghiêm ngặt. Thông thường, thoả thuận sẽ được thiết lập giữa các chính phủ gần gũi và tin tưởng nhau, đồng thời đôi bên đều chứng minh được mình kiểm soát tốt dịch bệnh.
Anthony Dennis, chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực du lịch tại Australia, tin rằng việc các quốc gia hình thành bong bóng du lịch với nhau là một điều quan trọng. Nhưng điều quan trọng hơn chính là làm mọi cách để duy trì được bong bóng đó. Và để duy trì thành công, chúng ta cần phải nhìn thấy được các vấn đề của mọi loại bong bóng du lịch và khắc phục chúng, bên cạnh những ưu điểm chúng mang lại.
Cần nhiều sự tin tưởng lẫn nhau
Để bong bóng du lịch được thành công, mỗi quốc gia quyết định tham gia phải tuyệt đối đảm bảo rằng đất nước mình không cho phép người đến từ những nơi dịch bệnh vẫn chưa thể kiểm soát. Điều này sẽ đồng nghĩa với việc bạn phải nhất định nói "Không" với các thị trường lớn, mang lại nhiều lợi nhuận thời chưa bùng phát dịch. Nếu không làm tốt được điều này, hiệu quả của bong bóng du lịch có thể bằng không. Tuy nhiên tuỳ thời điểm và khả năng kiểm soát dịch bệnh, việc lựa chọn đối tác hoàn toàn có thể thay đổi.
Cần nhiều chính sách chặt chẽ
Dennis tin rằng một quốc gia thực hiện tốt việc kiểm soát Covid-19, thì chưa chắc quốc gia đó đã khởi động lại được các hoạt động du lịch quốc tế. Lý do là họ cần phải ban hành nhiều chính sách di chuyển nghiêm ngặt để đảm bảo các ca nhiễm không xuất hiện, lây lan khiến dịch bùng phát trở lại. Không phải nơi nào cũng làm được như New Zealand khi quốc gia nằm ở châu Đại Dương này sẵn sàng tái phong tỏa toàn quốc khi xuất hiện một ca nhiễm. Và việc sạch bóng Covid-19 sẽ bị phá vỡ nếu khởi động lại du lịch quốc tế. Nhưng có rất nhiều thành phố đã không thể vượt qua được điều này để hình thành các bong bóng du lịch, vì các ca nhiễm gia tăng.
Cần rất nhiều sự cố gắng
Việc lên một kế hoạch chắc chắn trong đại dịch là điều khó thực hiện. Nhưng các quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia vào bong bóng du lịch cần phải có các hành động cụ thể, khiến du khách có thể tin tưởng để đi du lịch. Tất nhiên, họ cũng phải đưa ra các mức độ rủi ro, nhưng phải nằm trong mức chấp nhận được. Singapore và Hong Kong từng lên kế hoạch thiết lập bong bóng, nhưng đến nay, hai bên đã nhiều lần lỗi hẹn. Các chuyên gia cho rằng, khi họ làm xẹp bong bóng, việc khởi động lại sẽ càng khó khăn hơn vì du khách đã bắt đầu cảm thấy không còn tự tin vào kế hoạch đó nữa. Nếu tham gia, thì phần lớn du khách có thể là tham gia trong hoài nghi.
Cần lưu ý đến các khoản chi phí phát sinh
Việc du lịch trong đại dịch đã làm tăng nhiều chi phí: giấy tờ xét nghiệm PCR âm tính, các biện pháp phòng chống dịch bệnh, test virus ở các sân bay, chi phí cách ly, chữa bệnh... Điều này làm kinh phí cho một chuyến đi tăng lên nhiều, khiến du khách có thể giảm ham muốn đi đây đi đó. Vì thế, nếu quyết định mở cửa, các nhà chức trách cần phải tạo ra một quá trình di chuyển liền mạch cho du khách, để giúp họ hạn chế gặp rắc rối. Đó là điều mà nhiều người mong muốn ở các chương trình bong bóng du lịch.
Đến lúc không thể trì hoãn mở bong bóng du lịch
Bong bóng du lịch bị trì hoãn càng lâu thì nền kinh tế càng thu về ít lợi ích. New Zealand là một ví dụ, du lịch chiếm 20% nền kinh tế. Nhưng phát triển du lịch nội địa với quốc gia chỉ có 5 triệu dân không phải là một cách lâu dài. Do đó, với những quốc gia này, khách du lịch quốc tế vẫn là hy vọng chính. Tình hình tương tự đối với Fiji, nơi du lịch chiếm 40% GDP trước dịch. Và về lâu dài, các nhà lãnh đạo sẽ phải đối mặt với việc: mở bong bóng du lịch hoặc đối mặt với một sự thiệt hại lớn về kinh tế có thể thể xảy ra.
Anh Minh (Theo Traveller)