Dưới đây là diễn biến chính của cuộc khủng hoảng phố Wall từ 14/9 đến 17/10, với những sự kiện được coi là sẽ vĩnh viễn thay đổi nền tài chính thế giới.
14/9: Hiểm họa lộ diện
Ông John Thain, CEO của Merrill Lynch (bên trái) và CEO Bank of America Kenneth Lewis thông báo về thương vụ 50 tỷ USD. |
Thông tin về việc Lehman Brothers đến bên bờ phá sản lan truyền từ ngày 12/9. Tuy nhiên, 2 ngày sau, chưa doanh nghiệp nào có ý định bỏ tiền ra mua lại định chế tài chính 158 năm tuổi, và việc phá sản hầu như đã rõ ràng. Chỉ ít phút sau khi bước qua ngày mới 15/10, Lehman tuyên bố nộp đơn xin phá sản lên Bộ Tài chính Mỹ.
Chỉ vài giờ sau, Bank of America cũng tuyên bố chi 50 tỷ USD để mua lại Merrill Lynch, một tên tuổi lớn khác của phố Wall. Chưa hết, hãng bảo hiểm lớn nhất Mỹ AIG thông báo bán một phần tài sản để tăng thanh khoản và lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư.
Mối lo ngại về khủng hoảng tín dụng tăng lên nhanh chóng, dù trước đó một tuần Chính phủ Mỹ đã chi 200 tỷ USD để tiếp quản hai hãng cho vay thế chấp lớn nhất là Fannie Mae và Freddie Mac.
15/9: Sự sụp đổ
Ảnh: Getty Images |
Ngay sau khi thông tin về sự sụp đổ của Lehman Brothers và Merrill Lynch phải bán lại cho đối thủ Bank of America lan đi, phố Wall trải qua ngày giao dịch tồi tệ nhất trong vòng 7 năm trở lại đây, khi Dow Jones sụt một mạch trên 500 điểm.
Tình hình tài chính của AIG càng xấu đi và tổ chức này có khả năng trở thành định chế tài chính lớn tiếp theo của Mỹ bị phá sản. Với tổng tài sản 1.000 tỷ USD và 74 triệu khách hàng trên khắp thế giới, sự sụp đổ của AIG sẽ là thảm họa với kinh tế Mỹ.
16/9: FED phải vào cuộc
Tối muộn 16/9, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tuyên bố chi 85 tỷ USD để mua lại 80% cổ phần AIG, cứu một trong những hãng bảo hiểm lớn nhất thế giới khỏi nguy cơ sụp đổ dường như không tránh khỏi.
Cùng ngày, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, ngân hàng Barclays của Anh thông báo mua lại khoảng 2 tỷ USD tài sản của nhà băng đã phá sản Lehman Brothers.
17/9: Một đợt lao dốc mới
Ảnh: CNN. |
Thông tin tốt lành từ việc AIG được bảo lãnh hóa ra lại càng làm giới đầu tư chứng khoán hoảng loạn, khi họ thấy rõ ràng nguy cơ đối với nền tài chính Mỹ. Họ đồng loạt rút vốn khỏi phố Wall để dồn vào thị trường hàng hóa, khiến giá vàng lập kỷ lục mới về bước nhảy - tăng 70 USD mỗi ounce qua một đêm. Giá dầu cũng có mức tăng theo ngày cao thứ hai trong lịch sử - 6 USD mỗi thùng.
Lợi tức từ các loại giấy tờ có giá do Bộ Tài chính Mỹ phát hành sụt xuống 0,02%, thấp nhất kể từ năm 1940. Dow Jones mất tiếp 450 điểm, nhất là sau khi tin đồn về việc 2 ngân hàng Morgan Stanley và Wachovia có khả năng phải sáp nhập.
20/9: Đại kế hoạch
Ngay trong đêm 19, rạng sáng 20/9, Chính phủ Mỹ chuyển tới Quốc hội kế hoạch giải cứu thị trường tài chính. Dòng cuối của bản kế hoạch ghi rõ: Chính phủ đề nghị Quốc hội chấp thuận cho sử dụng 700 tỷ USD để mua lại các khoản nợ cầm cố và giúp hệ thống tài chính hoạt động trở lại.
"Đây là một kế hoạch lớn, vì chúng ta đang đối mặt với một vấn đề lớn. Nguy cơ từ việc không làm gì để cứu vãn vượt xa nguy cơ từ việc sử dụng gói giải pháp này", Tổng thống Bush tuyên bố với báo giới.
21/9: Kết thúc một kỷ nguyên
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson xuất hiện trên kênh ABC News để giải thích về kế hoạch 700 tỷ USD. Ảnh: ABC News |
Tròn một tuần sau khi Lehman Brothers sụp đổ, Bộ trưởng Tài chính Paulson xuất hiện trên kênh truyền hình ABC News để giải thích về gói giải pháp 700 tỷ USD do ông khởi xướng. Vị Bộ trưởng vốn là CEO của Goldman Sachs khẳng định, kế hoạch này hướng đến lợi ích của người dân Mỹ.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói: "Chúng tôi sẽ không dễ dàng đưa ra 700 tỷ USD cho phố Wall, và ngồi hy vọng về một kết cục tốt đẹp".
Cuối ngày, Goldman Sachs và Morgan Stanley, 2 ngân hàng đầu tư trong top 5 nhà băng của phố Wall, tuyên bố chuyển đổi mô hình hoạt động, chấp nhận sự quản lý của FED. Đây được xem như sự chấm hết của kỷ nguyên vàng cho phố Wall, khi các ngân hàng được tận hưởng sự tự do. Đổi lại, các nhà băng này sẽ tránh được số phận như Lehman Brothers và Bear Stearns, một bị phá sản, một phải chấp nhận bán lại cho đối thủ với giá rẻ như cho.
23/9: Kế hoạch 700 tỷ USD gặp trở ngại đầu tiên
Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson và Chủ tịch FED Ben Bernanke nhìn từ phía sau trong cuộc điều trần. Hai vị này ở chung một "mặt trận" là làm sao thuyết phục các Thượng nghị sĩ chấp thuận kế hoạch 700 tỷ USD. |
Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson và Chủ tịch FED Ben Bernanke thực hiện cuộc điều trần trước Ủy ban Ngân hàng của Thượng viện Mỹ về kế hoạch 700 tỷ USD. Ông Henry Paulson cho rằng, nếu không nhanh chóng hành động, cuộc khủng hoảng tín dụng sẽ đe dọa mọi bộ phận của kinh tế lớn nhất thế giới. Còn ông Bernanke khẳng định, Chính phủ Mỹ đã có những bước đi chưa từng có để giải quyết khủng hoảng, nhưng thị trường tài chính vẫn đang chịu những áp lực lớn.
Trong khi đó, các thượng nghị sĩ của cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa đều cho rằng, kế hoạch này quá tốn kém. Họ cũng hoài nghi liệu đại kế hoạch có mang lại hiệu quả nào không. Bản thân thị trường chứng khoán chao đảo và giá các loại hàng hóa như vàng, dầu thô biến động mạnh trong những ngày qua cũng cho thấy sự bất an của giới đầu tư.
Cùng ngày, tỷ phú Warren Buffett quyết định chi 5 tỷ USD để mua cổ phần của Goldman Sachs, cứu ngân hàng này khỏi nguy cơ phá sản.
25/9: Thỏa hiệp hay không thỏa hiệp
Ảnh: CNN |
Các nhà lập pháp chủ chốt thông báo đã đạt được những thỏa thuận nhất định về kế hoạch 700 tỷ USD. Thị trường phố Wall lập tức tăng điểm sau thông tin tích cực này. Theo yêu cầu của các nghị sĩ Mỹ, các khoản cứu trợ cho phố Wall sẽ phải được kiểm soát chặt chẽ, gói 700 tỷ USD sẽ được chia thành nhiều đợt cung ứng cho thị trường, và Bộ Tài chính sẽ nắm lượng cổ phần nhất định trong các doanh nghiệp được hỗ trợ.
Nhưng chỉ vài giờ sau, đàm phán giữa Bộ Tài chính và các thành viên Quốc hội đổ vỡ. Đến tận đêm 25/9, Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson vẫn chưa đạt được thỏa thuận nào với các nghị sĩ.
Trong lúc Chính phủ Mỹ và các nghị sĩ vẫn đang đàm phán, thêm một nhà băng nữa là Washington Mutual sụp đổ, và trở thành vụ phá sản ngân hàng lớn nhất trong lịch sử. Với số nợ khổng lồ 307 tỷ USD, những gì còn lại của ngân hàng với 14.600 nhân viên này được bán với giá gần 2 tỷ USD.
29/9: Cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện bất thành, phố Wall gặp thảm họa
Một nhà môi giới chứng khoán tại phố Wall ngay sau khi Hạ viện bác kế hoạch 700 tỷ USD. Ảnh: CNN |
Kế hoạch 700 tỷ USD được chuyển lên Hạ viện Mỹ bỏ phiếu sau thêm 3 ngày thương thảo. Chính phủ Mỹ chấp nhận một số yêu cầu của Hạ viện, gồm việc gói giải pháp sẽ được giải ngân trong nhiều bước, trong đó Bộ Tài chính chỉ được sử dụng 250 tỷ USD trong giai đoạn đầu. Các bước tiếp theo cần có sự phê chuẩn của đich thân tổng thống. Ngoài ra, Bộ Tài chính có quyền nắm cổ phần trong các định chế tài chính nhận sự trợ giúp của chính phủ.
Tuy nhiên, bản kế hoạch vẫn không được Hạ viện thông qua, với 228 nghị sĩ phản đối, so với 205 người chấp thuận. Kết quả này làm cả thế giới choáng váng. Chỉ số Dow Jones sụt trên 777 điểm, lớn nhất trong lịch sử, khiến 1.200 tỷ USD "bốc hơi" khỏi phố Wall. Chỉ số Nikkei của thị trường Nhật cũng giảm 4%. Cùng ngày, giá vàng tăng theo phương thẳng đứng.
Tại châu Âu, chính phủ các nước tỏ ra lo ngại thực sự, vì cuộc khủng hoảng có dấu hiệu lan dần sang cựu lục địa. Chính phủ Bỉ và Hà Lan quyết định chi tổng cộng 16,4 tỷ USD để cứu trợ nhà băng khổng lồ Fortis NV.
1/10: Thượng viện Mỹ thông qua kế hoạch 700 tỷ USD
Với số phiếu thuận 74 áp đảo 25 phiếu chống, gói giải pháp cho thị trường tài chính dễ dàng vượt qua cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện. Theo kế hoạch được sửa đổi, định mức bảo hiểm tiền gửi tối đa cho các khoản tiền tại ngân hàng Mỹ sẽ được nâng từ 100.000 USD lên 250.000 USD. Các quy định và luật lệ về kế toán cũng được siết chặt hơn.
Đến lúc này, áp lực nặng nề dồn lên các thành viên Hạ viện. Bộ Tài chính Mỹ chấp nhận thêm nhiều thỏa hiệp. Tổng thống Bush tiếp tục kêu gọi Hạ viện thông qua gói giải pháp, cho rằng cuộc khủng hoảng đã vượt ra khỏi phạm vi New York hay phố Wall, mà đang đe dọa công ăn việc làm của người dân. Đây là lời kêu gọi thứ 14 của Tổng thống Bush trong vòng 15 ngày, kể từ khi cuộc khủng hoảng nổ ra.
Viễn cảnh kinh tế Mỹ ảm đạm, cùng với khủng hoảng tín dụng toàn cầu càng tăng thêm áp lực lên các nghị sĩ. Báo cáo của Bộ Lao động cho thấy, trong tháng 9 có thêm khoảng 100.000 người tại Mỹ mất việc làm. Tình hình tại các châu lục khác cũng trở nên căng thẳng. ngân hàng UBS của Thụy Sĩ tuyên bố cắt giảm 2.000 nhân công và dự kiến đóng cửa hoạt động giao dịch hàng hóa. Còn tại châu Á, các chỉ số chứng khoán trước khi Hạ viện bỏ phiếu lần 2 xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
3/10: 'Dù muốn hay không, giải cứu đã thành luật''
Bảng điện tử trên Quảng trường Thời đại (New York) chạy dòng chữ "Hạ viện đã thông qua gói giải pháp vào lần bỏ phiếu thứ hai". |
Hãng tin MSNBC đưa lên trang nhất thông tin này, ngay sau khi Hạ viện thông qua gói giải pháp, trong bối cảnh nhiều người dân Mỹ tiếp tục biểu tình trên phố Wall phản đối việc dùng ngân sách để chữa cháy cho sai lầm của các định chế tài chính. Bản thân các nghị sĩ cũng chưa hoàn toàn đồng tình, với hơn 170 người bỏ phiếu chống. Song trước tình hình nguy cấp, Hạ viện Mỹ cuối cùng đã gật đầu để ngăn chặn một "thảm họa kinh tế" sắp xảy ra.
Chỉ gần 2 giờ sau khi Hạ viện thông qua kế hoạch, Tổng thống Bush đặt bút ký phê chuẩn, một sự phản ứng nhanh chưa từng có với các đạo luật tại Mỹ.
Trong vòng một tuần, Dow Jones đã mất tổng cộng 818 điểm, gần bằng mức điểm sụt giảm của chỉ số này sau sự kiện 11/9. Thiệt hại của giới đầu tư trong một tuần này lên tới 2.400 tỷ USD, đưa tổng thua lỗ trong một năm qua lên 8.400 tỷ USD.
6/10: FED bơm thêm tiền cho hệ thống ngân hàng
FED thông báo sẽ tăng lượng tiền dự định cung ứng cho các ngân hàng thông qua các khoản đấu giá trên thị trường mở. Cơ quan này cho biết sẽ bơm 600 tỷ USD cho các ngân hàng để tăng thanh khoản, nhưng có thể sẽ chi đến 900 tỷ USD nếu cần thiết.
Phố Wall cũng nhanh chóng nhận ra rằng, gói giải pháp 700 tỷ USD không phải là phương thuốc tức thì với thị trường tài chính. Kết thúc ngày giao dịch 6/10, lần đầu tiên từ năm 2004 đến nay, Dow Jones xuống dưới 10.000 điểm.
8/10: Phối hợp toàn cầu chống khủng hoảng tài chính
Ảnh: AP |
Trong một thỏa thuận chung, một loạt ngân hàng trung ương lớn trên thế giới gồm FED, ngân hàng trung ương châu Âu, Anh, Canada, Thụy Sĩ, Thụy Điển, cùng tuyên bố hạ lãi suất cơ bản. Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cũng thông báo bơm tổng cộng 43,7 tỷ USD vào hệ thống ngân hàng, và các nhà băng châu Âu khác cung ứng hàng tỷ USD cho thị trường.
Bộ trưởng Tài chính các nước G7 và Tổng thống Mỹ Bush có cuộc họp khẩn cấp về thị trường tài chính. Tuy nhiên, vẫn chưa có giải pháp cuối cùng.
Thoạt đầu sự hợp tác toàn cầu này nhận được phản ứng tích cực từ thị trường chứng khoán thế giới. Tuy nhiên, ngay sau đó, sự hoài nghi quay trở lại và lãi suất liên ngân hàng tiếp tục tăng mạnh.
13/10: Dow Jones có mức tăng lớn nhất trong lịch sử
Ảnh: AP |
Ngày 13 không mang lại may mắn theo quan niệm của các nước phương Tây, song Dow Jones đã có ngày tăng điểm lịch sử. Chỉ số công nghiệp tăng tới 976 điểm, lớn nhất trong một ngày từ trước đến nay, lấy lại cho giới đầu tư 1.200 tỷ USD. Đây là phản ứng tích cực của phố Wall trước việc Bộ Tài chính Mỹ công bố chi tiết kế hoạch sử dụng gói giải pháp 700 tỷ USD.
Tại châu Âu, lãnh đạo các nước đạt được thỏa thuận bảo lãnh các địch chế tài chính khó khăn. Bộ Tài chính Anh cũng tuyên bố bơm 63 tỷ USD cho các ngân hàng Hoàng gia Scotland, HBOS, và Lloyds. Đức, Pháp và Tây Ban Nha có động thái tương tự.
15/10: Những dữ liệu kinh tế u ám
Một loạt thông tin bất lợi về nền kinh tế lớn nhất thế giới, gồm một báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ (DOC), bản dự báo của Cục Dự trữ liên bang (FED) và những nhận xét không mấy khả quan của chủ tịch FED Ben Bernanke đã cùng lúc đẩy phố Wall vào một phiên sụt giảm lịch sử.
Kết thúc ngày giao dịch, Dow Jones sụt 733 điểm, chỉ kém kỷ lục giảm gần 778 điểm vào ngày 29/9. Giới đầu tư tiếp tục chứng kiến 1.000 tỷ USD "bốc hơi" khỏi phố Wall. Đây cũng là ngày thị trường có tổn thất lớn thứ hai trong lịch sử, chỉ sau 29/9 với 1.200 tỷ USD.
Hôm 17/10, Tổng thống Mỹ Bush kêu gọi giới đầu tư tài chính và người dân bình tĩnh, chờ đợi thêm các biện pháp của chính phủ. Tuy nhiên, tỷ phú giàu nhất Mỹ Warren Buffett trong một bài viết mới đây cho tờ New York Times cho biết sẽ chuyển danh mục đầu tư của ông từ các loại giấy tờ có giá do Bộ Tài chính nước này phát hành sang các kênh khác. Từ trước đến nay, gửi vốn tại Bộ Tài chính Mỹ vốn được coi là kênh đầu tư an toàn ngay cả trong bối cảnh thị trường tài chính biến động.
Nhà đầu tư nổi tiếng này cũng cho biết rất tin tưởng vào viễn cảnh kinh tế trong dài hạn, nhưng cũng cho rằng kinh tế Mỹ có thể còn diễn biến xấu hơn hiện nay.
Ngọc Châu (theo CNN, MSNBC)