Ba thị trường trên đóng góp một phần ba trong tổng số 15,5 triệu khách quốc tế đến Việt Nam năm 2018. Trong nhiều năm, mức tăng trưởng của các thị trường này luôn ở mức cao. Giai đoạn 2015 – 2018, lượng khách đến từ Hàn Quốc tăng hơn 3 lần, từ 1,1 triệu lên tới 3,4 triệu lượt; khách Nga tăng gần gấp đôi. Khách Nhật là thị trường lớn thứ ba của Việt Nam, với hơn 826.000 lượt trong năm 2018, tăng 3,6% so với cùng kỳ.
Các quốc gia này có điểm chung là đều nằm trong diện được miễn visa 15 ngày theo nghị quyết của Chính phủ năm 2014. Thời hạn miễn visa sẽ hết hạn vào 31/12/2019 nhưng hiện vẫn chưa có quyết định tiếp tục gia hạn hay không, dẫn tới nhiều lo ngại từ phía hiệp hội và các doanh nghiệp du lịch.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đánh giá Hàn Quốc là nguồn khách chủ lực, chiếm 60% cơ cấu khách quốc tế của thành phố và đang được duy trì, phát triển tốt. Dòng khách này thường chọn các chương trình dài 4 – 6 ngày, có khả năng chi tiêu cao và quan tâm đến mua sắm, chăm sóc sức khoẻ, cảnh quan thiên nhiên và văn hoá, lịch sử.
Theo ông Dũng, việc miễn visa là chính sách đúng đắn, làm gia tăng lượng khách bên cạnh việc giúp họ tiết kiệm thời gian, công sức làm visa và có cái nhìn thiện cảm với điểm đến. "Điều tiêu cực nếu có là làm tăng áp lực cho cơ quan quản lý về du lịch và xuất nhập cảnh", ông Dũng nói.
Đại diện Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng hy vọng chính sách này được gia hạn, không chỉ với khách Hàn Quốc mà còn thêm nhiều thị trường khác, thể hiện một bước tiến của ngành du lịch và năng lực hội nhập của Việt Nam. "Trường hợp chính sách không được gia hạn, chắc chắn nguồn khách Hàn sẽ giảm mạnh khiến các doanh nghiệp và đơn vị cung ứng dịch vụ có nguy cơ thua lỗ, giảm hiệu quả", ông Dũng nói.
Đối với thị trường Nhật Bản, đại diện Khối du lịch nước ngoài, công ty Vietravel cho biết, dòng khách này có mức chi trả cao cho các dịch vụ khách sạn, nhà hàng ở mức khoảng 600 USD một người, chưa gồm vé máy bay. Việc miễn visa đã giúp doanh nghiệp thu hút khách Nhật Bản, bên cạnh việc giúp họ cảm thấy đất nước thân thiện và dễ đến hơn.
Lượng khách Nhật mua tour của doanh nghiệp này ở miền Trung và Nam tăng nhanh theo từng năm từ khi áp dụng miễn visa, từ là 3.802 năm 2016 lên 5.841 lượt năm 2018. Trong 10 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp này đã đón 4.710 lượt khách từ xứ sở hoa anh đào.
Năm tới, đơn vị này có kế hoạch thực hiện các chuyến charter đến những thành phố chưa có các đường bay thẳng ở cả hai nước. Nếu chính sách miễn visa không được gia hạn, đơn vị này cho biết việc khai thác và đầu tư thị trường với phía Nhật Bản sẽ gặp trở ngại.
"Khi công nghệ đang thay đổi ngành du lịch, các sản phẩm trọn gói truyền thống phải chuyển sang dịch vụ nhỏ, lẻ thì việc dễ dàng đến nơi tham quan thông qua chính sách miễn visa tạo điều kiện thông thoáng, cạnh tranh với các điểm đến trong khu vực như Thái Lan, Indonesia", đại diện Vietravel cho biết thêm.
Với thị trường Nga, ông Nguyễn Ngọc Tùng - Giám đốc Danh Nam Travel trực thuộc Danh Nam Corporation, đơn vị đang phục vụ khoảng 8.000 khách Nga vào Việt Nam hàng năm cho biết, khách từ thị trường này thuộc nhóm chi tiêu cao và có thời gian lưu trú dài, thông thường 7 đến 14 ngày, gấp 3 – 4 lần mức trung bình các nước châu Á khác.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, khách Nga chi trung bình 1.600 USD mỗi lần lưu trú tại Việt Nam, trong khi mức chi trung bình của khách quốc tế nói chung tới nước ta là 900 USD. Sau 5 năm miễn visa, ông Tùng cho rằng nhiều thị trường đã quen với việc lựa chọn tour theo thời hạn thị thực giúp lượng khách tăng dần theo thời gian.
Ông Vũ Văn Thuấn, Giám đốc công ty lữ hành VinSmile, đơn vị phục vụ khoảng 2.000 khách Nga mỗi năm cho biết, dòng khách này ưa thích các dịch vụ nghỉ dưỡng biển cao cấp, chủ yếu là các khách sạn 4, 5 sao tại các bãi biển như Mũi Né, Nha Trang, Phú Quốc.
Do đó, cả hai doanh nghiệp này đều đang mong đợi thông tin chính thức về chính sách visa và vẫn chưa chốt phương án nên thu thêm tiền của khách hay giảm lãi nếu không được tiếp tục miễn.
Các doanh nghiệp hiện kỳ vọng Chính phủ sẽ gia hạn chính sách này, đồng thời áp dụng visa nhập cảnh nhiều lần để phù hợp với những khách đi nhiều nước trong một hành trình.
Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB) đề xuất điều chỉnh thời hạn lưu trú "tối đa 30 ngày" để thu hút du khách đường dài. Việc bổ sung thời hạn tối đa được cho là sẽ giúp chính quyền điều chỉnh thời gian áp dụng miễn visa với từng đối tượng cụ thể khi có vấn đề phát sinh.
Bên cạnh đó, TAB đề nghị gia hạn miễn thị thực cho các nước này trong 5 năm tiếp theo, đồng thời bổ sung thêm sáu quốc gia là Australia, New Zealand, Canada, Hà Lan, Thụy Sĩ và Bỉ để thu hút khách chi tiêu cao thay vì tập trung vào số lượng như hiện tại.
Việt Nam áp dụng miễn thị thực với công dân Nga, Nhật, Hàn, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan với thời hạn tạm trú không quá 15 ngày, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh. Chính sách này có thời hạn 5 năm, kể từ ngày 1/1/2015 đến hết ngày 31/12/2019.
Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam lần hai sẽ diễn ra ngày 9/12 tại Hà Nội. Sự kiện là cuộc gặp gỡ, đối thoại công - tư cấp quốc gia, khu vực để thảo luận những vấn đề, giải pháp thúc đẩy sự phát triển bứt phá, bền vững cho du lịch Việt Nam.
Thông tin chi tiết về diễn đàn và đăng ký tham dự tại https://vief.vnexpress.net
Kiều Dương