An Giang nằm ở đầu nguồn sông Cửu Long và cách TP HCM khoảng 240 km về phía Tây Nam Bộ. Đây là nơi có núi, rừng giữa đồng bằng trù phú, hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, nhiều truyền thuyết và lịch sử.
Ngoài ra, An Giang còn là mảnh đất có nhiều danh lam thắng cảnh, tôn giáo, phong tục tập quán khác nhau do là nơi sống của đồng bào các dân tộc Kinh, Chăm, Khmer và Hoa.
Dưới đây là một số trải nghiệm cho chuyến du ngoạn An Giang của bạn thêm phần đáng nhớ trong mùa hè này.
Đi thuyền khám phá rừng tràm Trà Sư
Trà Sư là khu rừng đặc trưng cho các loại rừng ngập nước của vùng Nam Bộ, thuộc xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Rừng tràm Trà Sư cách biên giới Việt Nam – Campuchia khoảng 10 km. Hiện rừng có 140 loài thực vật, trong đó tràm bao phủ hầu hết diện tích.
Du khách có thể thuê tắc ráng - một phương tiện di chuyển độc đáo trên sông nước của người miền Tây để khám phá vùng này. Những trải nghiệm hút khách tại đây là lướt tắc ráng băng rừng, tham gia hái sen, hái ấu, chài cá và thưởng thức các đặc sản theo mùa.
"Đà Lạt của miền Tây"
Núi Cấm cao nhất trong dãy gồm bảy ngọn núi (Thất Sơn) thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, đồng thời nằm ngay ngã ba sông Hậu và Châu Đốc.
Tên núi được dân gian lý giải bằng nhiều cách, trước kia nơi đây núi non hiểm trở, nhiều thú dữ, nhất là rắn hổ mây, người dân trong vùng không xâm phạm được vào. Một sự tích khác ghi rằng, Nguyễn Ánh từng chạy về núi lánh nạn khi bị quân Tây Sơn truy đuổi và ông cấm mọi người lên núi, từ đó cái tên núi Cấm ra đời.
Sở dĩ gọi đây là “Đà Lạt của miền Tây” bởi thời tiết quanh năm mát lạnh, nhiệt độ khoảng 18-25 độ C. Lên trên đỉnh bạn sẽ được đứng giữa một lòng chảo lớn bao quanh bởi các ngọn núi trùng điệp khác.
Sau đó, bạn vào viếng chùa Phật Lớn – nơi có tượng Phật Di Lặc đạt kỷ lục lớn nhất khu vực Đông Nam Á cao 33,6 m, chùa Vạn Linh – nơi có bảo tháp cao 35 m thờ xá lợi Phật. Đứng ở tầng trên cùng của tòa tháp, bạn có thể nhìn toàn cảnh quần thể chùa và một phần núi non nơi đây.
Dạo quanh Búng Bình Thiên
Búng theo tiếng địa phương nghĩa là hồ cùng với mặt nước luôn trong xanh phẳng lặng như gương. Vì vậy, Búng Bình Thiên còn tên gọi khác là "Hồ gương trời". Hồ cách trung tâm thành phố Châu Đốc khoảng 35 km và nằm cặp với sông Bình Di - một nhánh của sông Hậu thuộc xã An Phú. Để đến đây, bạn phải vượt qua cầu Cồn Tiên, theo hướng đường tỉnh lộ 956 về cửa khẩu Khánh Bình và kết thúc là rẽ trái tại ngã 4 Quốc Thái là tới.
Xung quanh hồ có 4 dân tộc cùng chung sống, trong đó, cộng đồng người Chăm theo đạo Hồi (Chăm Islam) chiếm phần đông. Du khách có thể dạo quanh hồ rồi tự mình khám phá đời sống của người trong vùng. Búng Bình Thiên còn được ghi nhận vào danh sách những hồ nước ngọt lớn nhất miền Tây Nam Bộ.
Thư giãn ở hồ bơi vô cực
Hồ bơi vô cực này tọa lạc bên sườn một ngọn núi, cách trung tâm Châu Đốc khoảng 60 km. Nghỉ ngơi tại đây, bạn sẽ được dịp đắm mình trong khung cảnh thiên nhiên mướt mát giữa mùa hè.
Tuy không quá cao nhưng hồ có hướng nhìn ra cánh đồng lúa dài, tạo cảm giác bình yên và nhẹ nhàng cho du khách. Hình ảnh cánh đồng lúa này còn thay đổi theo mùa với màu xanh - vàng.
Viếng miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam
Di tích nổi tiếng ở Núi Sam, Châu Đốc là miếu Bà Chúa Xứ. Nơi đây thu hút khách hành hương khắp mọi miền đất nước vào các dịp Tết và lễ hội lớn. Xưa kia, miếu Bà được xây dựng đơn giản bằng tre lá, tọa lạc trên vùng đất trũng.
Qua thời gian, ngôi miếu được xây mới, lớn và đẹp hơn. Công trình có lối kiến trúc phương Đông với mái lợp ngói âm dương màu xanh lá và uốn cong mỗi góc của bốn tầng mái, hoa văn trên các khung cửa sổ được chạm trổ tinh xảo.
Nghi lễ phục hiện rước tượng Bà Chúa Xứ núi Sam, An Giang, diễn ra hồi tháng 5/2017, thu hút hàng nghìn du khách thập phương. Video: Bá Phúc.