4 tỉnh tiếp theo có tỷ lệ chênh lệch cao khi sinh bé trai nhiều hơn gái là Hưng Yên 118,6 trai/100 gái; Bắc Ninh 117,6 trai; Thanh Hoá 117,2; Hải Dương 116,3. Mức chuẩn sinh học bình thường là 105 trẻ nam trên 100 trẻ gái chào đời
Phát biểu tại hội nghị công tác dân số 2018 ngày 31/1, ông Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục trưởng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết, dân số Việt Nam hiện gần 94 triệu người, đứng thứ ba khu vực Đông Nam Á, thứ tám châu Á và thứ 13 thế giới. Mức sinh thay thế tiếp tục được duy trì (2,04 con trên một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ). Tuy nhiên, mức sinh rất khác biệt giữa các địa phương.
Năm 2017, tỷ số giới tính khi sinh còn ở mức cao với bình quân 112,4 trẻ trai trên 100 trẻ gái, tăng 0,2 điểm phần trăm so với năm 2016. Có 30 tỉnh kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn thì mức sinh cao (trên 2,3 con một phụ nữ), có nơi hơn 3 con. 10 tỉnh, đô thị nơi kinh tế xã hội phát triển thì mức sinh xuống rất thấp, dưới 1,8 con một phụ nữ tuổi sinh đẻ, có nơi thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế.
Theo ông Nhạc, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như việc lựa chọn giới tính thai nhi, định kiến giới, ưa thích con trai và xem thường giá trị phụ nữ đã ăn sâu trong quan niệm văn hóa của nhiều người. Ngoài ra, quy định xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe với người cung cấp dịch vụ liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi; vi phạm trong xét nghiệm, chẩn đoán sớm giới tính thai nhi còn phổ biến.
Đại diện ngành dân số tỉnh Sơn La cho rằng tỉnh chưa đạt được mức sinh thay thế. Tâm lý muốn đông con, phải “có trai, có gái” là nguyên nhân khó khăn, phức tạp và lâu dài để thực hiện mô hình quy mô nhỏ hai con.
Đánh giá 2017 là một năm khó khăn với ngành dân số, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến bày tỏ sự lo lắng trước tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. "Ngành cần có chiến lược truyền thông tư tưởng để thay đổi nhận thức của người dân; không được để chênh lệch trẻ trai và trẻ gái quá cao", Thứ trưởng Tiến nói.
Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng xấu tới cấu trúc dân số trong tương lai, dẫn tới tình trạng dư thừa nam giới trong xã hội. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ có từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ. Về lâu dài dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như thiếu phụ nữ sẽ làm gia tăng áp lực kết hôn sớm đối với trẻ gái, phải bỏ học để lập gia đình; có thể gia tăng về nhu cầu mại dâm dẫn đến nạn buôn bán phụ nữ gia tăng.
Toàn châu Á hiện thiếu 117 triệu phụ nữ do mất cân bằng giới tính khi sinh. Tình trạng này đã ảnh lưởng lớn tới hai quốc gia lớn trong khu vực là Trung Quốc và Ấn Độ. Dự đoán năm 2060, cứ 100 phụ nữ thì có tới 160 nam giới tại hai nước này trong độ tuổi kết hôn.