Cho trẻ ra ngoài vận động sẽ giúp ngăn ngừa bệnh tật. Ảnh: Hoàng Hà. |
1. Không rửa tay. Rèn thói quen rửa tay thường xuyên cho trẻ là một trong những cách tốt nhất để phòng chống cảm lạnh. Những thời điểm cần làm là trước và sau khi ăn, sau khi hắt hơi hoặc ho, sau khi đi vệ sinh. Tuy nhiên, chỉ rửa qua loa với nước chưa hiệu quả. Cần phải cọ xà phòng trong khoảng 20-30 giây rồi mới tráng nước và lau khô.
2. Cắn móng tay, ngoáy mũi. Virus cảm có thể sống vài giờ trên tay trẻ (nếu chúng không rửa sạch) và thậm chí lâu hơn trên các bề mặt như đồ chơi, núm cửa. Tuy nhiên, virus sẽ không thể thâm nhập qua da kín mà chúng cần những lỗ hở, chẳng hạn như khi ngón tay thò vào mũi hay miệng. Một khi đã ở trong, chúng sẽ bắt đầu sinh sôi nảy nở và chẳng bao lâu con bạn sẽ bị hắt hơi, sổ mũi.
3. Lười vận động. Hãy cho trẻ ra ngoài vận động, tránh xa TV, máy tính hay trò chơi điện tử, điều đó sẽ giúp chúng khỏe mạnh hơn. Không khí khô ở trong nhà khiến cơ thể trở thành nơi lý tưởng để virus và vi khuẩn phát triển. Khi ra ngoài, khí trời tươi mát sẽ giúp độ ẩm trong phổi trở lại mức bình thường. Ngoài ra, vận động cũng giúp chúng khỏe mạnh hơn và chống lại cảm cúm tốt hơn.
4. Chơi với bạn bè bị ốm. Cho dù con bạn luôn ngoan ngoãn làm theo lời bạn dặn, thì nó vẫn có thể mắc bệnh nếu ở gần những đứa trẻ khác bị ốm. Trẻ con rất thích chơi đùa với nhau cho dù có đang bị hắt hơi, sổ mũi. Nạn nhân mới là những gì virus thèm muốn. Để giữ cho con mình, nên hạn chế con tiếp xúc với người bạn bị ốm cho đến khi bạn đó khỏi.
5. Ngấu nghiến đồ ăn nhanh. Pizza, humburger hay xúc xích đều là những món ăn yêu thích của trẻ, nhưng nếu ăn nhiều quá sẽ khiến chúng bị ốm. Những món ăn này không chứa các dinh dưỡng trẻ cần để chống lại cảm lạnh. Đảm bảo cho con bạn ăn điều độ, đủ rau, hệ miễn dịch của nó sẽ được khỏe mạnh.
M.T. (theo iVillage)