Học tiếng Anh ngay từ nhỏ giúp trẻ phát triển kỹ năng ngôn ngữ tốt hơn. Tuy nhiên, ở lứa tuổi này, trẻ thích chơi hơn học và thường mất tập trung. Các phương pháp dạy có thể phản tác dụng nếu không phù hợp với đặc điểm tâm lý của từng trẻ.
Ép trẻ học theo công thức
Một tuần nay, chị Trần Lan Hương (quận 3, TP HCM) đau đầu vì chuyện học của con. Cứ sau bữa cơm tối, bé Na (9 tuổi) than đau bụng hoặc vờ buồn ngủ để trốn học giờ tiếng Anh tại nhà. Bao nhiêu giáo trình chị chuẩn bị chẳng thể phát huy tác dụng khi cô con gái không chịu hợp tác.
Không ít bố mẹ cho rằng, con sẽ giỏi tiếng Anh với nhịp học dồn dập và thời gian biểu chật kín. Song, phương pháp học của người lớn và trẻ em hoàn toàn khác nhau. Thay vì nhồi nhét, trẻ cần có môi trường và thời gian để ngôn ngữ thấm dần vào não bộ. Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Thu Mai - Phó trưởng khoa Tâm lý giáo dục thuộc Đại học Sư phạm TP HCM, khi dạy tiếng Anh cho trẻ cần vận dụng tối đa những phương pháp sinh động như tô màu học chữ, học bằng hình ảnh (trẻ 4,5 - 6 tuổi) hoặc học từ vựng qua vật thể (trẻ 6 - 11 tuổi).
Ngữ pháp khô cứng
Để soạn giáo trình cho con, chị Lan Hương đã lùng mua hàng chục sách ngữ pháp tiếng Anh. Một buổi học của Na bắt đầu bằng việc viết 20 lần bảng từ vựng và học thuộc lòng các thì tiếng Anh. Sau cả tháng hai mẹ con "đánh vật" với nhau, điểm tiếng Anh của Na vẫn cứ lẹt đẹt.
Cô Lauren Beckerle - Giáo viên trưởng phụ trách chương trình Anh ngữ thiếu nhi, thuộc Hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ (VUS) cho biết, học tiếng Anh cũng giống như học tiếng Việt, học nghe, nói trước khi biết viết và phân tích ngữ pháp. Trẻ cần cảm nhận tiếng Anh thay vì tiếp xúc với những thứ phức tạp ngay từ bước đầu. Cô Lauren gợi ý, phụ huynh có thể dạy trẻ ngữ pháp bằng cách lặp đi lặp lại các mẫu câu thường nhật. Bắt chước theo mẹ, trẻ sẽ dần hình thành được kho ngữ pháp của riêng mình.
Phát âm không chuẩn
Khả năng bắt chước và ghi nhớ tốt của trẻ là con dao hai lưỡi. Nếu bạn dạy con phát âm tiếng Anh sai ngay từ nhỏ, trẻ sẽ khó thay đổi về sau.
Cô Lauren khuyên phụ huynh nên cho con xem và nghe các chương trình tiếng Anh do người bản xứ thực hiện. Mẹ có thể cùng trẻ xem hoạt hình, phim hoặc chương trình khám phá tự nhiên... Các bậc phụ huynh cũng có thể dạy trẻ cách phát âm, ngữ nghĩa của từ theo từng văn cảnh và vận dụng ngay vào thực tiễn khi có cơ hội.
Dịch nghĩa sang tiếng Việt
Gặp khó trong cách dạy từ mới cho con, phụ huynh thường gỡ rối bằng lối học "word by word". Đây là cách học truyền thống, chuyển nghĩa mọi từ vưng mới từ tiếng Anh về tiếng Việt. Cô Lauren nhấn mạnh, việc dịch nghĩa là tuyệt đối không nên khi trẻ học tiếng Anh. Việc rèn thói quen học hiểu tiếng Anh bằng khái niệm sẽ giúp ích cho tư duy ngoại ngữ của trẻ.
Cha mẹ có thể cầm quả táo hoặc chỉ vào bức tranh vẽ quả táo để nói "apple", thay vì dạy trẻ "apple là quả táo"... Ban đầu, trẻ có thể gặp khó khăn khi tiếp nhận, song cách học sinh động này sẽ khiến trẻ thích thú về sau.
Để trẻ học một mình
Bận trăm công nghìn việc, cha mẹ thường phó mặc trẻ tự học ở nhà với khối bài tập được giao. Tuy nhiên, trẻ cần môi trường có thể sử dụng và tương tác Anh ngữ tối đa. Chẳng hạn như tại VUS, trẻ được học chương trình Imagine Learning English trên iPad, nghe đĩa nhạc tiếng Anh, vận động, học từ mới qua các trò chơi vui nhộn, bài hát, tranh ảnh, đồ chơi, thẻ từ... cùng với bạn bè và giáo viên người bản xứ.
Imagine Learning English là phần mềm dạy tiếng Anh của Mỹ, dành cho trẻ em không sử dụng Anh ngữ như tiếng mẹ đẻ. Phần mềm bao gồm 6.500 video và bài hát, hơn 2.500 hoạt động vui học, 347 hoạt động nhận biết âm tiết, 235 đầu sách mới…
Ngoài ra, phụ huynh và giáo viên cũng nên dành những lời khen, khích lệ ngay cả khi trẻ mắc lỗi quên từ mới, phát âm sai... Về lâu dài, trẻ sẽ dạn dĩ, tự tin hơn so với việc học tiếng Anh một mình.
Tuấn Kiên