Chỉ tập trung học ngữ pháp
Bước chân vào nhà sách, bạn sẽ rất dễ tìm được những quyển về ngữ pháp, trong khi sách dành cho kỹ năng nghe- nói có vẻ ít hơn. Tôi cho rằng đây là một trong những nguyên nhân khiến người học ngoại ngữ, nhất là những người mới bắt đầu, cảm thấy tiếng Anh là một ngôn ngữ hàn lâm, và việc giao tiếp lưu loát là hành trình khó mà chinh phục được.
Thật ra, chìa khoá để sử dụng tốt một ngôn ngữ chính là việc bạn nghe một nội dung đủ lâu và bắt chước lại được những gì đã nghe. Tương tự với một em bé tập nói tiếng mẹ đẻ. Trước khi nói được, bé chỉ nghe những người xung quanh và tập theo mà không hề được dạy bất kỳ cấu trúc ngữ pháp nào.
Do đó, theo tôi, nghe (Listening) mới là kỹ năng mà người học cần dành thời gian tập trung luyện tập.
Mải mê "đánh bóng" phát âm
Với người sử dụng ngôn ngữ, phát âm sao cho đúng rất quan trọng. Bạn cần phát âm rõ ràng thì mới truyền tải chính xác thông điệp cần trao đổi. Thói quen phát âm sai lâu ngày dẫn đến hậu quả nghe không rõ, và không ai hiểu bạn nói gì.
Với người bắt đầu học ngoại ngữ, tôi cho rằng cần học cách phát âm chính xác, không gây hiểu lầm cho người nghe và cũng để cuộc hội thoại diễn ra thành công.
Để đạt được sự trôi chảy nhất định, bạn cần luyện nghe và nói theo (như tôi đã đề cập ở trên). Bạn không nhất thiết phải ép bản thân phát âm giống người bản xứ, điều này mất nhiều thời gian và dễ khiến bạn chán nản. Đều đặn luyện nghe theo năm bước (tôi đã chia sẻ cụ thể ở bài viết trước), bạn sẽ giao tiếp tốt.
Còn nếu bạn muốn bản thân phải phát âm nghe sao thật "Tây", điều đó sẽ đến sau khi bạn đã giao tiếp trôi chảy.
Cho rằng giáo viên bản ngữ dạy tốt hơn giáo viên Việt Nam
Từ trải nghiệm cá nhân, tôi thấy rằng nhiều người Việt, đặc biệt là các bậc phụ huynh, thường muốn bản thân hoặc con cái được học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ. Tuy nhiên, tôi thấy rằng khi mới bắt đầu, việc học với người nước ngoài có thể không mang lại hiệu quả cao, bởi những lý do sau:
Thứ nhất, giáo viên bản ngữ không nói được tiếng Việt. Họ phải mất rất nhiều thời gian và công sức để giảng giải những khái niệm đơn giản. Chẳng hạn "hạnh phúc", "giận dữ" là gì? Họ sẽ phải đặt câu ví dụ để người học hình dung được cảm giác "hạnh phúc", "hào hứng", hay "chán nản", "thất vọng".
Trong khi đó, giáo viên Việt Nam chỉ việc đưa ra từ tiếng Việt tương đương: "disappointed" là "thất vọng", hay "eager" là "hăm hở".
Nói như vậy không có nghĩa là giáo viên Việt Nam dạy tốt hơn giáo viên bản ngữ. Khi người học đã có nền tảng, việc học với giáo viên nước ngoài chắc chắn sẽ giúp cải thiện trình độ rất nhiều. Người học có thể tiếp nhận kiến thức trực tiếp bằng tiếng Anh khi nghe giáo viên bản ngữ giảng dạy. Còn với người mới bắt đầu ngoại ngữ, lời khuyên của tôi là bạn hãy học với giáo viên Việt Nam trước.
Trả lời "Yes, I do" trong khi "không thích"
Đây là trường hợp thực tế, gây lúng túng cho nhiều giáo viên bản ngữ khi nghe câu trả lời từ học viên người Việt.
Nếu được hỏi những câu bắt đầu bằng "Don't you like (apples)?" (Bạn không thích táo phải không?), hầu hết học viên người Việt đều trả lời "Yes" nếu như "Không thích (táo)". Thói quen này của chúng ta là do ảnh hưởng của ngôn ngữ mẹ đẻ, dựa theo việc chúng ta có cùng quan điểm với người đặt câu hỏi hay không.
Trong khi đó, một người bản xứ nếu được hỏi câu "Don't you like (apples)?, họ sẽ trả lời dựa theo sở thích cá nhân. Ở trường hợp này, "No, I don't" mang nghĩa không thích, còn "Yes, I do" là thích.
Hơn 10 năm giảng dạy, tôi được nghe rất nhiều những chuyện đùa cũng như những câu hỏi thắc mắc của giáo viên bản ngữ khi họ đặt câu hỏi "Don't you...?" và nhận được những câu trả lời "cười ra nước mắt" từ học viên.
Bạn chỉ cần ghi nhớ đơn giản rằng câu hỏi "Don't you...?" là một kiểu hỏi khác của "Do you...?" mà thôi. Bạn trả lời dựa theo sở thích, ý kiến cá nhân, không phải là đồng ý hay không đồng ý với người hỏi.
Không thêm "a/an" vào trước từ chỉ nghề nghiệp
"A/an" là hai mạo từ, đứng trước các danh từ số ít để xác định chỉ có một cá thể được đề cập. Tôi thấy nhiều người mới học tiếng Anh thường quên thêm mạo từ, chẳng hạn "My father is businessman" (Bố tôi là doanh nhân).
Tôi cho rằng điều này cũng do người học bị ảnh hưởng từ ngôn ngữ mẹ đẻ. Người Việt chỉ nói "Mẹ tôi là giáo viên", "Bố tôi là kỹ sư". Do đó khi chuyển sang tiếng Anh, người học hầu như đều quên cần phải nói "I'm an engineer, my father is a businessman, my wife is a teacher" thì mới đúng.
Nghiêm Thị Mỹ Xuân