Theo thông báo kết luận phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết thực hiện nghị quyết 18 Trung ương, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình chủ trì, cùng Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo sắp xếp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.
Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì phụ trách Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phụ trách sáp nhập Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Xây dựng; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn phụ trách sáp nhập Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Phó thủ tướng Lê Thành Long phụ trách Bộ Nội vụ và Bộ Lao động Thương binh Xã hội.
Tên của cơ quan sau sắp xếp phải bao quát chức năng, nhiệm vụ
Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan lập ngay Ban chỉ đạo do Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan đứng đầu để chỉ đạo sắp xếp bộ máy. Thủ tướng lưu ý chú trọng tuyên truyền, tạo đồng thuận, thống nhất trong quá trính sắp xếp; đề xuất phương án kiện toàn tổ chức bộ máy, trong đó lưu ý cơ chế quản lý phù hợp với tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, nhất là những tập đoàn lớn, quan trọng; có giải pháp giải quyết các vấn đề liên quan công tác cán bộ.
Bộ Nội vụ tiếp tục hoàn thiện kế hoạch làm việc của Thủ tướng, các phó thủ tướng với các cơ quan dự kiến hợp nhất, sáp nhập, sắp xếp chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy. Bộ cũng hoàn thiện dự thảo phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy tổ chức đảng của Chính phủ, các bộ, cơ quan của Chính phủ; ban hành kịp thời các văn bản về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp.
Thủ tướng lưu ý Bộ Nội vụ rà soát văn bản về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các bộ, đề xuất giải pháp về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho các bộ, cơ quan triển khai công việc liên tục, thông suốt, không gián đoạn.
Tên gọi của các cơ quan sau khi hợp nhất, sáp nhập, sắp xếp phải bảo đảm tính kế thừa, bao quát được chức năng, nhiệm vụ cơ bản của bộ, cơ quan. Việc sắp xếp các bộ ngành, cơ quan thuộc Chính phủ phải báo cáo Ban chỉ đạo trong thời gian từ 9 đến 15/12.
Cơ cấu Chính phủ hiện nay gồm 18 bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Nội vụ, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Lao động Thương binh và Xã hội, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Y tế.
Bốn cơ quan ngang bộ gồm: Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Chính phủ.
Dự kiến sau khi tinh gọn, Chính phủ sẽ giảm từ 30 xuống còn 21 đầu mối, gồm 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, 4 cơ quan trực thuộc.
Thời gian qua, các bộ ngành Trung ương đã giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương; giảm 8 cục thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm 90% phòng trong vụ.