Một năm hai lần vào mùa xuân và mùa thu, dưới sự chủ trì của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, các chuyên gia trên cả nước lại tụ họp để cùng trao đổi, phản biện về những vấn đề nóng của nền kinh tế. Xuyên suốt 3 năm nay, chủ đề luôn được gẩy lên là tái cơ cấu nền kinh tế, bao gồm tái cơ cấu ngành ngân hàng - mạch máu của cả cơ thể.
Qua hơn nửa chặng đường thực hiện đề án tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng, các chuyên gia Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu 2014 (diễn ra ngày 27-28/9) đánh giá ngành ngân hàng đã thu được một số kết quả như nguy cơ đổ vỡ bị đẩy lùi, 7 ngân hàng yếu kém hoạt động bình thường trở lại sau hợp nhất, sáp nhập. Năng lực tài chính từng bước được lành mạnh thông qua tăng vốn điều lệ và xử lý nợ xấu. Năm 2012, vốn điều lệ toàn hệ thống tăng 11%, đến cuối năm 2013 tăng tiếp 8%. Tổng nợ xấu được xử lý thông qua Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) và tự bản thân các ngân hàng khoảng 105.000 tỷ đồng.
Nhưng bên cạnh những thành công, đối chiếu với các mục tiêu đề ra của đề án, quá trình tái cơ cấu vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, nổi lên ở khu vực ngân hàng thương mại cổ phần đang nắm giữ tài sản lớn nhất.
Tham luận của Giáo sư Trần Thọ Đạt và cộng sự cho thấy trong giai đoạn 2008 - 2012, hiệu quả quản lý của 5 ngân hàng thương mại đứng đầu (BIDV, Vietinbank, Vietcombank, MB và ACB) liên tục bị suy giảm, với chi phí tăng nhiều hơn so với thu nhập đạt được. Sang năm 2013, hiệu quả quản lý đã có dấu hiệu được cải thiện, nhưng tỷ lệ chi tiêu/thu nhập vẫn ở mức cao.
Chỉ số ROA và ROE của 5 ngân hàng này giảm dần từ 2008 đến 2013, đặc biệt giảm mạnh trong 2012 và 2013. Thanh khoản của nhóm này cũng giảm dần theo thời gian, như tỷ lệ tài sản có tính thanh khoản cao/tổng tiền gửi từ 5% năm 2008 chỉ còn 2,1% năm 2013, tương đương giảm hơn một nửa trong vòng 6 năm.
"5 ngân hàng thương mại cổ phần có tổng tài sản lớn nhất trong hệ thống các ngân hàng Việt Nam không nhận được những sự thay đổi khả quan từ quá trình tái cơ cấu", nhóm nghiên cứu do Giáo sư Trần Thọ Đạt đứng đầu nhận xét.
Các chỉ tiêu của nhóm 5 ngân hàng cổ phần có tổng tài sản lớn nhất
Chỉ tiêu | 2009 | 2010 | 2011 | 2012 | 2013 |
CAR (%) | 9,94 | 9,91 | 12,74 | 11,29 | 11,73 |
Tỷ lệ nợ xấu (%) | 1,79 | 1,71 | 1,75 | 2,05 | 2,18 |
Chi tiêu/thu nhập | 0,417 | 0,413 | 0,414 | 0,459 | 0,454 |
ROE (%) | 19,5 | 19 | 19,7 | 13,1 | 11 |
ROA | 1,3 | 1,2 | 1,2 | 0,9 | 0,9 |
Thu nhập thuần từ lãi vay (NIE) bình quân (tỷ đồng) | 5.210 | 7.432 | 11.388 | 11.208 | 10.704 |
Tài sản có tính thanh khoản cao/tổng tiền gửi | 0,036 | 0,043 | 0,031 | 0,027 | 0,021 |
Nguồn: Nhóm tác giả Trần Thọ Đạt và cộng sự tổng hợp từ các báo cáo tài chính
Nhận định riêng về các ngân hàng thương mại có cổ phần Nhà nước chi phối, tham luận của tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn và nhóm nghiên cứu trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay với tỷ trọng 42% trong tổng tài sản của toàn hệ thống ngân hàng đến cuối năm 2013 (2,5 triệu tỷ đồng), sở hữu của Nhà nước trong hệ thống ngân hàng Việt Nam thuộc nhóm cao trên thế giới, tương đương với Indonesia (40%) và lớn hơn nhiều so với Thái Lan (21%), Phillippines (13%)… cũng như mức bình quân 21% trên thế giới.
Trước vấn đề này, hiện có nhiều ý kiến tranh luận về mối quan hệ giữa mức độ tập trung ngân hàng với khả năng xảy ra khủng hoảng. Có ý kiến cho rằng hệ thống ngân hàng ít tập trung (nhiều ngân hàng nhỏ lẻ) sẽ chịu nhiều tổn thương khi khủng hoảng xảy ra. Ngược lại, tồn tại quan điểm cho rằng hệ thống ngân hàng có mức độ tập trung lớn thì khả năng xảy ra khủng hoảng cao hơn do quy mô và hoạt động của những ngân hàng lớn phức tạp và họ có thể tận dụng sức mạnh thị trường của mình để đẩy chi phí cho vay lên cao.
Dẫn một nghiên cứu của quốc tế, nhóm chuyên gia do tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn đứng đầu cho biết khủng hoảng ít xảy ra hơn ở những hệ thống ngân hàng có mức độ tập trung cao, song áp đặt ít quy định giới hạn về hoạt động hay sự gia nhập ngân hàng sẽ làm giảm bớt sự bất ổn ngân hàng. "Hệ thống ngân hàng Việt Nam chịu sự chi phối của một số ngân hàng lớn, thuộc sở hữu của nhà nước nhưng nếu hành lang pháp lý và quy định vẫn đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các ngân hàng trong hệ thống với nhau, nhà nước giảm bớt những hỗ trợ mang tính hành chính đối với những ngân hàng nhà nước thì sẽ khó xảy ra khủng hoảng ngân hàng", nhóm nghiên cứu của Đại học Kinh tế cho hay.
Từ đó, các chuyên gia khuyến nghị phải giảm dần tỷ lệ sở hữu Nhà nước trong hệ thống ngân hàng. Hiện tỷ lệ vốn nhà nước trong ngân hàng mặc dù đã cổ phần hóa vẫn còn quá cao, có ngân hàng lên tới trên 90%; mức độ tập trung vốn vào 3 ngân hàng thương mại Nhà nước lớn nhất vẫn ở mức khá cao so với ở các nước khác trong khu vực (trên 45%).
Về toàn cảnh công cuộc tái cơ cấu, các diễn giả đánh giá quá trình đang bị chậm trễ và không đạt mục tiêu đề ra. Một nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn 2011-2013 là giải quyết nợ xấu, song theo giáo sư Trần Thọ Đạt và các cộng sự, việc xử lý nợ xấu đang rơi vào bế tắc vì VAMC không thể bán hoặc xử lý được nợ xấu đã mua.
"Thời gian qua, ngành ngân hàng mới chỉ giải quyết được việc dọn dẹp phần lớn nợ xấu về một đầu mối VAMC với vai trò như một kho lưu giữ", nhóm nghiên cứu cho biết. Tính đến hết tháng 8/2014, VAMC đã mua được hơn 59.500 tỷ đồng nợ gốc, song cho đến nay chưa bán được một khoản nợ xấu nào.
Sự bế tắc này lại càng nghiêm trọng khi áp lực gia tăng nợ xấu ngày càng lớn. Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống sau khi giảm xuống 3,5% vào tháng 12/2013 đã bắt đầu tăng trở lại trong 6 tháng đầu năm 2014, đạt 4,84% vào cuối tháng 6/2014.
Do vậy, nhóm chuyên gia cho rằng ngay trong năm 2015 phải tập trung xử lý dứt điểm nợ xấu thông qua tạo dựng quyền hạn đặc biệt cho VAMC, như có một đạo luật riêng về xử lý nợ xấu, giúp giảm thiểu các vướng mắc trong việc xử lý nợ xấu và đẩy nhanh tốc độ mua bán nợ.
Đạo luật sẽ trao cho VAMC quyền xử lý các khoản nợ xấu đứng trên cương vị của người cho vay và không cần thông qua sự chấp thuận của những khách hàng nợ trong quá trình mua bán nợ. Từ đó, VAMC có thể bán nợ trực tiếp cho bên mua sau khi khoản nợ được định giá bởi một tổ chức định giá độc lập mà không cần sự đồng ý của cả bên cho vay (tổ chức tài chính) và bên vay (khách hàng nợ). Điều này sẽ giúp VAMC đẩy nhanh quá trình mua bán nợ và tránh được những tranh chấp phát sinh.
Ngoài ra, VAMC có thể có quyền chỉ định quản trị viên đặc biệt xử lý nợ đối với các doanh nghiệp không có khả năng thanh toán, giúp đơn vị này tránh được những cản trở của khách hàng nợ và tập trung toàn bộ vào quá trình xử lý. Liên quan đến tài sản đảm bảo, VAMC cần có quyền hạn đủ lớn để tịch thu tài sản đảm bảo, bao gồm cả bất động sản, mà không cần phải thông qua tòa án.
"Ba điều khoản trên sẽ giúp VAMC giải quyết được những vướng mắc hiện thời làm chậm trễ quá trình xử lý nợ, bao gồm quy trình thủ tục khi xảy ra kiện tụng tài tòa án, sự không đồng thuận giữa các bên về giá bán nợ và khó khăn trong việc xử lý và tịch thu tài sản", nhóm nghiên cứu do Giáo sư Trần Thọ Đạt đứng đầu khẳng định.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến nghị xây dựng thị trường mua bán nợ hiệu quả để giúp huy động đa dạng các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia xử lý nợ xấu. Song hành với đó, thay đổi chiến lược và biện pháp mua bán sáp nhập từ hình thức “tự nguyện” sang “bắt buộc”, thậm chí cho tuyên bố phá sản một số tổ chức tín dụng yếu kém để làm thanh lọc hệ thống.
Phương Linh