![]() |
Messi không được vào sân dù có tên trong danh sách dự bị ngoài sân. |
Đánh giá không đúng về tầm ảnh hưởng của Messi
Dù mới bước sang tuổi 19 chưa được một tuần, nhưng cầu thủ được mệnh danh là "thần đồng" của bóng đá Argentina hoàn toàn đủ đẳng cấp để gây khó khăn cho các đối thủ đàn anh. Tại Barca, HLV Frank Rijkaard rất tin tưởng giao cho Messi nhiệm vụ ở hàng lang phải hồi đầu mùa bóng, và tiền đạo cánh mặt còn "búng sữa" này đã hoàn thành xuất sắc. Đặc biệt, các CLB có lối chơi bóng dài rất dè chừng Messi. Điển hình là Bremen (Đức) và Chelsea (Anh). Trong khuôn khổ Champions League mùa bóng vừa qua, cầu thủ hay nhất giải U20 thế giới là nguyên nhân khiến hai HLV bậc thầy là Thomas Schaaf và Jose Mourinho lên cơn "đau đầu" triền miên.
Tung Tevez vào đá chính trong trận tứ kết gặp Đức là quyết định đúng của HLV Pekerman, song nếu có thêm Messi thì hẳn thế trận vượt trội của Argentina có nhiều khả năng cụ thể hóa "ra tấm ra món" hơn. Khả năng chơi bóng ở trình độ cao như World Cup của Messi đã được kiểm chứng qua hai trận đấu ở bảng tử thần và trận thắng Mexico ở vòng hai. Nếu không gây được nguy hiểm cho khung thành thủ môn Lehmann thì ít nhất sự có mặt của "thần đồng" cũng đủ khiến hàng tiền vệ đội tuyển Đức không dám dâng cao. Vậy thì lý do gì lại bỏ phí Messi trên băng ghế dự bị suốt 120 phút?
Tính toán nhầm về thế trận và kinh nghiệm cầu thủ tuyến giữa
Sau khi dẫn trước 1-0, dễ nhận thấy Argentina chơi chùng xuống và nhường thế trận cho đội chủ nhà. Xét trên khía cạnh bảo vệ tỷ số mong manh thì "nước cờ" này không thật sự sáng suốt. Cách giữ vững thành quả tốt nhất vẫn là duy trì áp lực đáng kể bên phần sân đối phương. Bài học của Barcelona trong trận bán kết Champions League lượt đi ở San Siro là một ví dụ. Sau khi Giuly phá thế bế tắc, đội bóng xứ Catalan không hề đánh mất thế trận vào tay AC Milan. Tuyến tiền vệ vẫn giữ bóng thật chắc và cố gắng làm giảm nhịp tấn công của đối thủ ở mức tối đa. Để làm được điều này thì kinh nghiệm là yếu tố sống còn.
Chắc chắn Mascherano và Luis Gonzalez chưa thể qua mặt Edmilson hay Van Bommel (Barca). Dễ hiểu vì sao Đức lại có nhiều bóng đến thế trong khoảng thời gian 40 phút cuối. Việc Pekerman rút nhạc trưởng Riquelme ra quá sớm thể hiện ông đã không đánh giá hết mức độ nguy hiểm khi Đức đang chiếm thế thượng phong. Tiền vệ CLB Villarreal sẽ thu hút ít nhất một hoặc hai cầu thủ chủ nhà nếu ở lại sân. Tất nhiên, Riquelme vẫn sẽ là "đầu tàu" nếu phải đá hiệp phụ.
![]() |
Riquelme (phải) là người kiến tạo bàn thắng cho Ayala và là tâm điểm chú ý của các cầu thủ Đức. |
Sai lầm thay người
Ngoài trường hợp bất khả kháng của thủ môn Abbondanzieri (chấn thương và thay bằng Leo Franco), Pekerman đã phạm sai lầm khi rút Riquelme ra quá sớm (chỉ nên làm trong những phút cuối), và không tung Messi vào. Ngay cả trường hợp thay Crespo bằng Julio Cruz cũng đặt ra nhiều dấu hỏi, bởi hai tiền đạo này có phong cách giống nhau - không tạo bất ngờ cho hàng thủ Đức.
Hàng hậu vệ "quên" kèm "sát thủ"
Khi tuyến giữa bị "xé nát" bởi các đường chuyền bổng và khả năng tranh cướp đáng nể của Đức, dĩ nhiên hàng thủ Argentina sớm muộn sẽ gánh hậu quả. Nhưng bàn thua theo kiểu "vỗ mặt" như thế thì quả là đáng trách. Quả tạt tầm trung của Ballack tưởng như chẳng đáng nguy hiểm tới mức các hậu vệ đội bóng tango bị hút vào Tim Borowski, mà bỏ quên "sát thủ" Klose. Hậu quả là chỉ còn Sorin quá lùn, không đủ sức bật để ngăn cản "tòa tháp" cao gần 1,90 m đánh đầu gỡ hòa. Lúc ấy thì Heinze và Ayala ở đâu, mà để "sổng" tiền đạo đang dẫn đầu danh sách vua phá lưới?
Đá luân lưu quá tệ
Có một thống kê đáng ngạc nhiên rằng chính Argentina, chứ không phải Đức, mới là đội có thói quen chiến thắng trên chấm 11m nhiều hơn. Ở World Cup 1990, "Albiceleste" vượt qua Nam Tư cũ (tứ kết) và Italy (bán kết) đều bởi thứ vũ khí may rủi này. Tám năm sau, đội tuyển Anh là "nạn nhân" của thế hệ Batistuta, Diego Simeone ở vòng hai. Trong khi đó, Đức chỉ mới hai lần chiến thắng như thế trên đấu trường World Cup (trước Pháp ở bán kết năm 1982 và Anh ở bán kết 1990).
Song chỉ tới khi "so tài" trực tiếp với nhau mới biết đâu là "vàng" thật. Các cầu thủ Đức sút rất mạnh, căng, trong khi Argentina người được người không. Còn nhớ một cựu cầu thủ Đức từng thổ lộ: "Bí quyết sút 11m chỉ là sút thật mạnh nhưng không bao giờ sệt. Như thế quả bóng sẽ như chùm nho ở trên cao khiến thủ môn khó với tới. Mà nếu có chạm được bóng thì vẫn để lọt qua tay, vì sút quá mạnh".
Thế đấy, người Đức "đơn giản mà hiệu quả".
HLV Jose Pekerman thừa nhận sau trận tứ kết |
* Giải thích về trường hợp thay Riquelme: "Tôi cảm thấy anh ấy hơi mệt và không đủ thể lực cho khoảng thời gian còn lại" * Về việc tại sao không đưa Messi vào mà lại thay Crespo bằng Cruz: "Chẳng phải lúc nào quyết định thay người của HLV cũng chuẩn xác". * Sau trận này, ông Pekerman đã tuyên bố từ chức, gây nhiều tiếc nuối cho ít nhất hai ba thế hệ học trò từng trường thành nhờ tay ông. |
Tiến Dũng