Điều này làm dấy lên lo ngại về tính an toàn của các chương trình tiêm chủng theo mùa được mở rộng để ngăn ngừa biến chứng Covid-19 tiềm ẩn và dịch bệnh kép. Nhà chức trách chưa kết luận vaccine là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết. Họ đang mở một cuộc điều tra, bao gồm khám nghiệm tử thi.
Thứ trưởng Bộ Y tế Kim Gang-lip hôm 21/10 thông tin các trường hợp tử vong bao gồm một thanh niên 17 tuổi và một cụ già 70 tuổi.
Tháng trước, giới chức Hàn Quốc tuyên bố mua thêm 20% số liều vaccine cúm cho mùa đông so với năm 2019, đủ để tiêm phòng cho 30 triệu người, ngăn chặn tình trạng quá tải hệ thống y tế do cả bệnh nhân cúm và Covid-19. Chỉ ba tuần sau khi triển khai, chương trình tiêm chủng tăng cường cấp quốc gia đã bị đình chỉ vì lo ngại về vấn đề an toàn. Cơ quan chức năng phát hiện 5 triệu liều tiêm cần bảo quản lạnh đã tiếp xúc với nhiệt độ phòng trong quá trình vận chuyển đến cơ sở y tế.
Vaccine cúm của Hàn Quốc được cung cấp bởi nhiều nhà sản xuất khác nhau, bao gồm LG Chem Ltd và Boryung Biopharma. Trả lời phỏng vấn của Reuters, người phát ngôn của Boryung cho biết công ty đã nhận được báo cáo về các ca tử vong, song chưa thể bình luận thêm ở thời điểm hiện tại. LG Chem tuyên bố sẽ tuân thủ các chỉ đạo của chính phủ.
Thiếu niên 17 tuổi là người đầu tiên tử vong, hôm 16/10, chỉ hai ngày sau khi tiêm phòng tại Incheon, gần thủ đô Seoul. Người tử vong gần đây nhất là cụ ông 70 tuổi, ngày 21/10, một ngày sau khi tiêm vaccine. Cụ có bệnh nền Parkinson và rối loạn nhịp tim. Giới chức Daegu cho biết cụ ông từng chủng ngừa vào năm 2015 mà không gặp phải phản ứng bất thường nào.
Kể từ ngày 13/10 đến nay, khoảng 8,3 triệu người đã được tiêm vaccine cúm miễn phí. Theo hãng tin Yonhap, Hàn Quốc đang ghi nhận số ca tử vong liên quan đến vaccine cao nhất kể từ năm 2005 đến nay.
Ngay cả trước Covid-19, việc củng cố niềm tin của cộng đồng vào vaccine đã là thách thức đối với các cơ quan y tế. Điều này càng khó khăn hơn trong đại dịch, khi một số quốc gia gấp rút phê duyệt vaccine Covid-19 trước khi hoàn thành thử nghiệm lâm sàng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã liệt kê việc không tiêm phòng vào một trong 10 mối đe dọa về sức khỏe toàn cầu trong năm ngoái.
Một cuộc thăm dò tại Hàn Quốc hồi đầu tháng này cho thấy 62% trong số hơn 2.500 người dân ở tỉnh Gyeonggi sẽ không tiêm vaccine Covid-19, ngay cả khi một ứng viên tiềm năng được chấp thuận.
Thục Linh (Theo Reuters)