Từ ngày 22 đến 24/4, không khí lạnh kết hợp với hội tụ gió trên cao khiến miền núi phía Bắc có mưa rào và giông. Tổng lượng mưa nhiều nơi lên 130 mm, như: Ghềnh Gà (Tuyên Quang), Gia Bảy (Phú Thọ), Lạng Sơn. Các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La xuất hiện nhiều đợt mưa đá.

Nhà dân ở Phong Thổ (Lai Châu) bị thiệt hại do mưa đá. Ảnh: Tao Thị Hiền.
Theo Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, mưa đá và giông lốc khiến 5 người chết, 25 người bị thương. Trong đó, Lai Châu có hai người chết do mưa lớn làm sập nhà, bị lũ cuốn trôi. Hà Giang có một người chết do cây đổ. Sơn La một người chết do đá lăn vào nhà và một người ở Yên Bái chết do sét đánh.
Ngoài ra, tỉnh Lai Châu có một người mất tích do lũ cuốn. Ông Đặng Văn Châu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lai Châu, cho biết sáng nay địa bàn vẫn đang mưa. Tỉnh đã phát cảnh báo lũ quét và sạt lở đất đến từng địa phương. Một số nhà dân ở vị trí nguy hiểm đã được sơ tán đến nơi an toàn.
Đợt mưa giông vừa qua cũng khiến hơn 10.330 nhà bị tốc mái, hư hỏng, tập trung ở Lào Cai 1.685 nhà, Hà Giang 2.050 nhà, Điện Biên 2.160 nhà. Khoảng 910 ha lúa, 2.710 ha hoa màu bị gãy đổ, dập nát.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, từ hôm nay đến sáng mai 26/4, khu vực Tây Bắc, Việt Bắc sẽ tiếp tục mưa với lưu lượng trung bình 20-50 mm. Vùng Đông Bắc Bộ có mưa rào và giông. Vùng núi Bắc Bộ, đặc biệt tại các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Các thành phố Điện Biên Phủ, Lào Cai có thể ngập úng cục bộ.
Ngày 25/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lớn, giông lốc, sét, mưa đá. Ông gửi lời thăm hỏi, chia buồn tới các gia đình có người bị thiệt mạng do mưa lũ, giông lốc, sét, chia sẻ những khó khăn, mất mát của chính quyền và người dân.
Chủ tịch các tỉnh, thành được yêu cầu huy động lực lượng tại chỗ tập trung hỗ trợ người dân; trường hợp vượt quá khả năng của địa phương, tổng hợp nhu cầu, gửi về Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.
Cơ quan chuyên môn tăng cường hướng dẫn người dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó với mưa lớn, giông, lốc, sét, mưa đá