Theo Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, đến 17h ngày 4/8, ngoài thiệt hại tại Thanh Hóa, mưa lũ còn khiến một người chết ở tỉnh Bắc Kạn, làm chết một người và làm bị thương một người ở tỉnh Điện Biên.
Mưa lũ cũng làm gần 50 căn nhà sập hoặc cuốn trôi (Thanh Hóa 32 nhà, Lạng Sơn 15 nhà); 50 căn hư hại nặng và gần 200 nhà bị thiệt hại một phần.
Sau hơn một ngày bị cô lập, ngày 4/8 lực lượng cứu hộ đã đến được xã vùng sâu của huyện Quan Sơn (Thanh Hóa). Tuy nhiên, Thanh Hóa vẫn còn một số xã chưa tiếp cận gồm: Mường Lý, Nhi Sơn, Phù Nhi và hai bản của xã Tam Trung. Tỉnh tiếp tục tìm kiếm người mất tích; thiết lập, duy trì thông tin liên lạc tại các địa bàn, nhất là khu vực vùng sâu bị chia cắt.
Tại Hà Nội, các điểm ngập úng ở nội thành đã rút hết nước, tuy nhiên vẫn còn điểm tại Đại lộ Thăng Long (khu vực gầm chui dân sinh số 3, 5, 6). Công ty thoát nước tiếp tục triển khai lực lượng, bơm cưỡng bức ở điểm ngập trên.
Số liệu quan trắc cho thấy, từ ngày 2 đến ngày 4/8, hoàn lưu bão Wipha gây mưa lớn tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Tổng lượng mưa tại Quất Đông (Quảng Ninh) trên 380 mm, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) hơn 420 mm, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 400 mm, Phủ Lý (Hà Nam) 380, Bất Bọt (Thanh Hóa) 310 mm, đặc biệt tại Mường Lát (Thanh Hóa) trên 500 mm.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mưa lớn vẫn tiếp diễn trong đêm 4 và ngày 5/8 tại Thanh Hóa, Nghệ An, sau đó giảm dần và chấm dứt hẳn trong 3-4 ngày tới. Lũ ác sông sẽ lên cao rồi giảm do mưa giảm. Từ ngày 10 đến 30/8 sẽ có ít nhất một đến hai cơn áp thấp, áp thấp nhiệt đới/bão hoạt động trên biển Đông và có thể ảnh hưởng đến Việt Nam. Trong thời gian đó sẽ có 3-4 đợt mưa lớn diện rộng ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.
Khoảng 22h ngày 2/8, bão Wipha, cơn bão thứ ba ở biển Đông, đổ bộ vào phía bắc tỉnh Quảng Ninh gây gió mạnh, mưa to, mất điện diện rộng. Bão sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, đi sâu vào đồng bằng trung du Bắc Bộ, Thanh Hóa, gây sức gió 40-50 km/h, mưa rất to.
Võ Hải