"Tôi có phải xem mặt và quyết định ngay bây giờ không?" Kim hỏi trong lúc người môi giới hôn nhân mô tả ngắn gọn về các cô gái đang ngồi quanh dãy ghế sofa hình chữ U.
Anh công nhân nhà máy ôtô Kim 39 tuổi đến từ ngoại ô Seoul, bắt đầu công cuộc chọn vợ dài hai tiếng trong bầu không khí hơi nhốn nháo. Nếu mọi việc diễn ra đúng như kế hoạch, thì sau 5 ngày anh sẽ chọn được một người vợ, làm đám cưới và đi một chuyến du lịch ngắn tới chùa Hương.
Ngày càng nhiều đàn ông Hàn Quốc tìm vợ ngoại, bởi các cô dâu Hàn ngày càng khó kiếm và vị thế của họ ngày càng tăng. Ở Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước còn tồn dư thói trọng nam khinh nữ, số đàn ông ế vợ ngày càng nhiều.
Nhưng ngành dịch vụ du lịch kết hợp tìm vợ ở Hàn Quốc đang phát đạt nhờ các cuộc hôn nhân tòan cầu hóa, họ đưa các chàng trai Hàn đến những nước nghèo hơn ở Đông Nam Á và Trung Á. Năm 2005, các cuộc hôn nhân có dâu/rể ngoại chiếm 14% tổng số các cuộc kết hôn ở Hàn Quốc, tăng tới 4% so với năm 2000.
Trở lại quán karaoke, sau khi 3 cô gái mà Kim ưng mắt từ chối anh vì nhiều lý do, Kim tập trung vào một cô là sinh viên ngành kinh tế 22 tuổi và một cô khác, 18 tuổi và mới tốt nghiệp trung học.
"Tính cách của cô là gì?", Kim hỏi cô sinh viên.
"Tôi hướng ngoại", cô gái đáp.
Cô gái 18 tuổi hỏi Kim vì sao anh muốn lấy vợ Việt Nam.
"Tôi có hai đồng nghiệp đã lấy vợ người Việt", anh đáp. "Các cô ấy có vẻ nhiệt tình và chăm lo cho gia đình".
Người môi giới nhận xét là cô 22 tuổi - có vẻ ngoài sáng sủa và chín chắn hơn, sẽ thích nghi tốt hơn khi đến sống ở Hàn Quốc. Một người môi giới khác thì gợi ý nên thử tung đồng xu mà chọn.
"Thế này nhé, vì tôi trầm tính, tôi sẽ chọn cô hướng ngoại", cuối cùng Kim nói, rồi nhanh chóng thêm "Tôi cầm tay cô ấy được chưa?".
Cô gái bước đến ngồi cạnh Kim nhưng họ không dám cầm tay nhau. Cô đánh vần và viết tên của mình lên lòng bàn tay: "Vien". Tên cô là Tô Thị Viên.
![]() |
Kim Wan Su và Tô Thị Viên sau khi hứa hôn. Ảnh: NYT. |
Ở nhiều vùng của Hàn Quốc, các biển quảng cáo dịch vụ môi giới hôn nhân ngoại rất phổ biến, những tờ bướm giới thiệu dịch vụ này cũng bay đầy trong hệ thống tàu điện ngầm Seoul. Nhiều cấp chính quyền ở nông thôn, đứng trước tình trạng suy giảm dân số, còn hỗ trợ tài chính cho các chuyến đi tìm vợ ngoại. Thường mỗi chuyến tốn chừng 10.000 USD.
Ngành dịch vụ này bắt đầu ra đời từ những năm 1990, chủ yếu là làm mối cho các nông dân hoặc người tàn tật Hàn Quốc lấy vợ là người gốc Hàn sống ở Trung Quốc, theo Ủy ban Bảo vệ người tiêu dùng Hàn Quốc. Nhưng kể từ năm 2003, đa số khách hàng đã thay đổi, họ là những đàn ông độc thân ở thành thị, còn cô dâu đến từ rất nhiều nước. Uỷ ban cho biết hiện có khoảng 2.000 đến 3.000 công ty môi giới trong lĩnh vực này.
Sự phổ biến của siêu âm chẩn đoán giới tính từ những năm 1980 đang để lại hậu quả ở Hàn Quốc hiện nay - thừa đàn ông. Nhờ nền kinh tế giàu có, phụ nữ Hàn giờ ngày càng cao giá bởi họ có cơ hội học tập và việc làm tốt hơn. Mặt khác, nó dẫn đến tỷ lệ ly hôn tăng và tỷ lệ sinh giảm.
"Ngày nay, phụ nữ Hàn rất có giá", Lee Eun Tae, chủ một công ty môi giới hôn nhân, từng kết duyên cho hơn 400 người đàn ông Hàn với các cô dâu Việt, Trung Quốc, Philippines, Mông Cổ, Thái, Campuchia, Uzbekistan và Indonesia, nói. "Đàn ông Hàn Quốc, nếu chỉ học hết phổ thông, sống với mẹ hay chỉ làm việc cho các hãng vừa và nhỏ, hoặc nếu thấp lùn hay là già, thì khó mà có cơ kiếm được vợ Hàn Quốc".
Những người chỉ trích cho rằng loại dịch vụ này lợi dụng và khai thác phụ nữ nghèo. Nhưng các nhà môi giới thì nói họ chỉ kết nối nhu cầu của đàn ông Hàn với những phụ nữ ngoại muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Hiện nay Việt Nam được coi là nơi có những cô dâu được ưa chuộng. Hôn nhân giữa rể Hàn Quốc với dâu Việt Nam được cho là thành công đến mức chính quyền của tỉnh Yeongcheon quyết định tài trợ cho những chuyến tìm vợ Việt.
Tại sân bay quốc tế Incheon International Airport, cảnh tượng này đang ngày càng trở nên quen thuộc tại các cửa đón khách: Đàn ông Hàn Quốc, tay cầm những bó hoa đẹp đẽ, cùng với những người thân và họ hàng, đón chào các cô dâu Việt Nam của họ đến trên những chuyến bay xuất phát từ Hà Nội hoặc TP HCM.
Còn tiếp
Mai Trang (theo IHT)