Một phần do sự thúc giục của chị gái, Kim quyết định đi Việt Nam sau khi đã cố hết sức để hẹn hò một cô gái Hàn hồi cuối năm ngoái nhưng thất bại. Tốt nghiệp trung học, Kim sống cùng mẹ và chị gái, làm việc trong một dây chuyền lắp ráp ở nhà máy khóa ô tô. Mặc dù sống trong một quốc gia có tỷ lệ kết nối mạng lớn nhất thế giới, anh không dùng Internet.
Người thứ hai tên là Kim Tae Goo, 51 tuổi, làm nghề trồng sâm và táo trên mảnh đất rộng 1 hecta của anh ở thành phố nhỏ Yeongju, phía đông nam Hàn Quốc. Kim đã ly dị một phụ nữ Trung Quốc - người mà ông lấy sau khi vợ đầu (người Hàn) qua đời. Kim sống với con gái 16 tuổi và mẹ già.
Ahn Jae Won, một tay môi giới hôn nhân đã có mặt ở Hà Nội từ lâu và bản thân cũng lấy một người vợ Việt, bắt đầu giải thích: "Những người phụ nữ đó muốn tìm những điểm tốt đẹp của các anh. Nhưng đừng hy vọng là họ có vẻ ngoài giống phụ nữ Hàn nhé. Khoảng cách giữa GDP của hai nước cũng rất khác nhau. Đừng có nói dối. Nếu anh nói dối, họ sẽ phát hiện ra và cảm thấy bị lừa, họ sẽ bỏ các anh đấy".
"Cha mẹ các cô đều biết con gái họ sẽ lấy người Hàn Quốc. Giới chức cũng biết việc này đang tồn tại, nhưng chúng ta sẽ gặp rắc rối nếu cứ làm ngay trước mắt họ. Vì thế các anh phải hiểu chuyện. Ngay khi đặt chân đến Hà Nội, cho dù là rất muộn rồi, chúng ta sẽ đi gặp các cô gái ngay lập tức. Làm việc này vào ban đêm thì an toàn hơn".
"Điều cuối cùng. Các công ty khác cho phép anh ngủ với phụ nữ ngay đêm đầu tiên. Nhưng chúng tôi không cho. Chỉ có thể làm thế vào đêm tân hôn. Nói gì thì nói, chúng ta phải giữ cho đúng mực là người đàn ông Hàn. Ổn chứ?".
Hai người gật đầu.
Và thế là bên trong quán karaoke Ngôi sao May mắn, ông Kim nói chuyện với các cô gái Việt Nam, hầu hết họ ở tuổi 20.
"Con gái tôi 16 tuổi và sống cùng tôi, tôi là nông dân", Kim già nói sau khi nhờ người phiên dịch thông báo với các cô rằng ông sẽ gửi 100 USD mỗi tháng cho cha mẹ vợ ở Việt Nam. "Thế có được không?".
"Tôi biết làm nông", Bùi Thị Thủy, 22 tuổi và là một trong những cô nằm trong 'tầm ngắm' của Kim, nói.
Khi được hỏi cô có thắc mắc gì không, Thủy nói không. Nhưng một cô gái khác - 28 tuổi và trông có vẻ sắc sảo hơn, hỏi: "Nếu tôi lấy ông, ông có yêu và chăm sóc tôi đến trọn đời không?".
"Tất nhiên rồi", Kim nói và nhanh chóng quay sang chọn cô Thủy.
![]() |
Chú rể Kim lạy bố mẹ vợ trong lễ cưới chung của cả hai cặp diễn ra sau đó. Ảnh: NYT. |
Sau vài giờ nằm nghỉ, hai đôi nam nữ và người môi giới lên một chiếc ô tô nhỏ chạy 4 giờ liền về nhà các cô gái ở tỉnh Quảng Ninh. Tại đó, họ đến gặp các quan chức chính quyền để trả lời các câu hỏi, đăng ký kết hôn.
Hầu hết các cô gái Việt Nam lấy chồng Hàn đều xuất thân từ các vùng nông thôn quanh Hà Nội và TP HCM. Như nhiều người Việt khác, các cô là fan nhiệt thành của những bộ phim truyền hình Hàn Quốc, của làn sóng Hàn vốn đang trào lên khắp châu Á từ những năm 1990.
Làn sóng Hàn đã làm thay đổi hình ảnh Hàn Quốc trong khu vực, đưa ra hình ảnh mới về một xã hội cân bằng giữa truyền thống và hiện đại, một xứ sở đã làm ra điện thoại Samsung tinh xảo và những mối quan hệ gia đình đáng trân trọng. Vào lúc mà hai chàng Kim đi sang tìm vợ Việt, thì VTV đang chiếu phim truyền hình dài tập của Hàn Quốc mang tên "Câu chuyện thành công của một cô gái thông minh", kể về một thôn nữ đến Seoul và chiếm được trái tim của một ông chủ lớn.
"Thực lòng, tôi không biết nhiều về Hàn Quốc ngọai trừ những gì xem trên TV", cô Viên nói. "Nhưng phong cảnh nơi đó đẹp, đàn ông Hàn trông tinh tế và chân tình. Họ tỏ ra có trách nhiệm với gia đình, hòa hợp với gia đình và bạn bè".
Viên đã đăng ký với dịch vụ môi giới chồng Hàn từ cách đây 2 năm. Nhà Viên có hai anh em, bố mẹ cô đều cho cả hai đi học đại học.
Còn Thủy là con nhà nông, có 5 anh chị em. Cô đăng ký dịch vụ này ngay sau khi học xong trung học. "Một bạn của tôi lấy chồng Hàn và đang sống ở Seoul", Thủy kể. "Chúng tôi thi thoảng nói chuyện qua điện thoại. Cô ấy hạnh phúc lắm lắm. Cô ấy nói rằng ở Seoul rất đông người và có rất nhiều nhà cao tầng".
Thủy nói hầu hết bạn gái bằng tuổi cô đã lấy chồng. Trong thời gian chờ được ai đó kết hôn, Thủy ở nhà giúp việc nội trợ, bố mẹ cô cấm con gái làm đồng áng vì sợ ảnh hưởng đến dung nhan của con.
Hai đôi vợ chồng tương lai đăng ký kết hôn, làm xét nghiệm y tế. Anh Kim trẻ viết cho vợ vào một tờ giấy, hứa sẽ chăm sóc cô khi ở Hàn Quốc, sẽ giúp cô vượt qua khó khăn - nhưng cô không có cách nào hiểu được những chữ đó. Hai người mua một cuốn từ điển Hàn - Việt, chỉ từng con chữ giảng giải cho nhau, hoặc dùng đến cả tiếng Anh bồi.
Ngày thứ hai ở Việt Nam, khoảng 40 giờ kể từ khi hạ cánh, hai người đàn ông Hàn làm lễ cưới. Họ hàng của các cô dâu đợi họ ở một nhà hàng lớn với vẻ mặt đầy chờ đợi.
Bố mẹ của Viên mãn nguyện, nhưng bố của Thủy - ông Bùi Văn Vui, không khoái lắm khi thấy con rể chỉ kém ông có một tuổi. Trước đó, Vui đã gọi điện cho tay môi giới, than phiền chuyện tuổi tác này. Ahn bảo chả có gì phải lo, nhưng gương mặt ông Vui không vui trong suốt cả lễ cưới.
Thủy cũng lo, cô nói mới chỉ biết đến Hàn Quốc qua phim ảnh, nhưng trong đời thực co thể khác. "Tôi cũng không biết gia đình anh ấy có thích tôi không, làm thế nào để thích nghi được. Tôi lo lắm".
Thấm thoắt đã đến lúc hai chàng Hàn Quốc bay về, để lại vợ lo nốt thủ tục giấy tờ. Tại sân bay, Thủy nhờ người môi giới nói với chồng, rằng "Cho em gửi lời chào đến mẹ và con anh". Kim chìa tay ra định bắt, nhưng bị tay môi giới đẩy cho một cái, anh chàng ôm lấy vợ.
"Đừng lo cho em. Em sẽ học tiếng Hàn thật chăm chỉ và khi gặp lại nhau, anh sẽ thấy em giỏi tiếng rồi. Chúng mình chỉ có ít thời gian bên nhau, nhưng em cảm nhận tình cảm giữa đôi ta bắt đầu nảy nở và em bắt đầu yêu anh. Về đến Hàn Quốc, nhớ gọi điện cho em nhé", Thủy nói qua phiên dịch.
"Anh sẽ gọi trong vòng hai ngày tới", Kim trả lời.
Hai người phụ nữ sẽ rời Việt Nam sau 3 tháng nữa, theo cái cách mà nhiều cô gái khác, với hộ chiếu và visa trong tay, lên đường đi Hàn Quốc từ nơi này. Cả gia đình và họ hàng các cô, lặn lội từ nông thôn đến tận sân bay để tiễn, có người còn mệt vì say xe ô tô sau quãng đường dài, sẽ vẫy tay chào con cháu mình đi lấy chồng.
Mai Trang (theo IHT)
Phung Mai
5 ngày tìm vợ cũng không khác 5 năm tìm hiểu nhau là mấy đâu. Con người ta ai cũng thay đổi theo thời gian, về tâm lý thì ảnh hưởng đến tính tình, về thể lý thì có sức khoẻ và nhan sắc. Sự thay đổi ấy nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống lứa đôi, có duy trì được hạnh phúc hay không là do những yếu tố ấy chứ không hẳn là 5 ngày hay năm năm tìm hiểu, cha mẹ tôi chỉ biết mặt nhau khi mẹ tôi về làm dâu mà hai ông bà sống trọn đời hạnh phúc, còn ở xứ Úc tôi thấy họ sống chung cả mấy năm trước khi cưới vậy mà sau khi cưới thì đâm đơn ly dị, đặc biệt là khi có đứa con đầu lòng .
Vợ chồng khác chủng tộc là chuyện thường trên thế giới, không có gì sai cả, chỉ tiếc rằng văn hoá VN xưa nay khó chấp nhận thế, đã gây nhiều đau khổ cho phụ nữ và đứa con lai. Lối suy nghĩ ấy rất xấu cần dẹp bỏ trong đời sống mọi người.
Khoi Pham Ngoc
Thời gian 5 ngày là cực ngắn cho cả đời người. Các cô dâu Việt cũng quá ư sẵn sàng cho qui trình rút gọn đến mức tối giản. Tôi nghĩ ngoài thời gian ngắn ngủi ấy, những khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, lối sống, hoàn cảnh gia đình sẽ là những yếu tố làm cho cuộc sống hôn nhân của họ khó bền vững. Thật khó tin họ sẽ hạnh phúc!
Luan Nguyen
Hình ảnh chàng trai Hàn Quốc quỳ lạy cha mẹ vợ thật tốt đẹp. Hy vọng họ cũng yêu thương và trân trọng những cô gái Việt đã chấp nhận họ làm chồng.Nếu là tình yêu thương thì còn ngại gì cách biệt ngôn ngữ và tuổi tác?
Chỉ có điều với 5 ngày để đi đến quyết định cả đời của những chàng trai Hàn làm tôi thấy không được yên tâm! Các bạn thì sao?
Hong Tieu
Tôi không thể hiểu nổi! Không có tình yêu, không có sự hiểu biết về người mình sẽ lấy, không có thông tin nhiều về đất nước mà họ sẽ bước chân đến sông quãng đời còn dài còn lại, lấy một người bằng tuổi ...bố mẹ họ!
Những cô gái nông dân thì có thể còn lý giải vì sự hiểu biết của họ không cao, còn những cô gái đã học đại học mà cũng quyết định việc đó, tôi thật không hiểu nổi, tôi thấy bực tức với quyết định của họ, có thể họ làm vì bản thân họ, nhưng họ đã làm xấu mặt (về đánh giá chung mặt nào đó) về con gái Việt Nam.
An Do
Hôn nhân là chuyện riêng của mỗi người. Có thể có tình yêu sau vài ngày, hoặc có thể là vài năm sau khi chung sống. Tuy nhiên tôi thấy có cô đã tâm sự là chỉ biết Hàn Quốc qua phim ảnh, rồi ca ngợi đàn ông Hàn Quốc là tốt. Tuy nhiên đó chỉ là trên phim ảnh, chứ tôi nghĩ ở đâu thì cũng có người tốt người xấu. Nên chuẩn bị tâm lý để chịu đựng nếu có gì đó ko được như ý. Tôi thì không ủng hộ việc môi giới hôn nhân như là đổi chác này, nhưng tôi thấy nếu đúng như lời tay môi giới nói thì tôi thấy chỗ này còn tôn trọng phụ nữ Việt Nam một chút.