Bò tái kiến đốt Đây là món ăn được chế biến theo cách rất lạ lùng: treo miếng thịt bò nóng hổi vừa xẻ thịt lên thân cây, ngay trước tổ kiến để kiến bâu vào đốt, sau đó mới đem rửa bằng nước muối loãng và nướng tái trên lửa than. Mỗi loại kiến mang lại hương vị khác nhau cho miếng thịt bò, do đó mỗi lần thưởng thức, bạn sẽ lại thấy lạ lẫm với món ăn thú vị này. Nước chấm làm từ tương ngô, tương đậu, gừng băm và đường. Khi ăn, thái thịt thành miếng vừa miệng và kẹp chung với chuối xanh, rau ngổ. Món ăn này có mặt trong các nhà hàng đặc sản, giá khoảng 350.000 đồng/kg. Ảnh: citinews Gà đồi bọc đất nướng Những con gà ri, gà tre nuôi thả rong trên núi nên thịt chắc, dai, ngọt, được chế biến thành gà hấp, gà quay, gà nướng mật ong, nhưng hấp dẫn nhất là món gà đồi bọc đất nướng. Gà làm sạch, bọc một lớp lá sen rồi đến lớp đất sét dày, nướng trên lửa than cho đến khi đất sét chuyển thành màu đen và bắt đầu nứt là gà chín. Xé gà khi còn nóng hổi và chấm muối tiêu chanh, buổi tối se lạnh ở phố núi Tam Đảo sẽ trở nên ấm áp hơn nhiều. Ảnh: kenhdulich Thịt lợn mán Nếu đi du lịch theo nhóm hoặc gia đình, bạn có thể gọi một mẹt lợn mán với đủ cách chế biến: hấp, xào lăn, nướng, rựa mận... Lợn mán lớn lên nhờ rau củ rừng nên thịt càng nhai càng ngọt, vừa ăn vừa nhấm nháp rượu sâu chít thì không còn gì thú hơn. Bạn cũng có thể ghé chợ và gọi vài xiên thịt lợn đồi, vừa nướng vừa ăn tại chỗ với mức giá khoảng 15.000 đồng/xiên, thêm một ống cơm lam nướng là đã đủ cho một bữa tối hoàn hảo. Ảnh: btrip Bánh cuốn Món ăn giản dị này ở Tam Đảo thường được gọi chệch đi thành "bánh quấn". Không có nhiều khác biệt so với món bánh cuốn ở đồng bằng nhưng bột bánh được xay từ gạo lúa rẫy trồng trên núi nên thơm hơn hẳn. Bánh cũng có nhân thịt lợn xay với mộc nhĩ. Điểm độc đáo là ở món ăn kèm, hợp vị nhất là thịt lợn đồi nướng xiên. Ngoài ra, người dân Tam Đảo còn ăn bánh cuốn với trứng chiên, canh gà, thịt luộc. Ảnh: 24h Xôi đen Người dân tộc ở Tam Đảo nấu xôi với nước lá lau xau và lá bánh tẻ giã nhuyễn, tạo thành màu xanh đen tự nhiên, thẫm bóng. Gạo nếp ngon ngâm từ 2 – 3 ngày nên nở hạt tròn căng, thơm mềm. Xôi đen tốt cho tiêu hóa, bổ máu, chữa đau đầu, ốm yếu nên không chỉ là món ăn mà còn là bài thuốc. Ngoài ra, ở Tam Đảo còn có các loại xôi ngũ sắc làm từ quả rôm, quả dành dành... Ảnh: dulichtamdao Xem thêm: Su su tươi ngon trên đỉnh Tam Đảo3 món ngon được lòng du khách khi đến Tam Đảo Bò tái kiến đốt - món ăn lạ ở Tam Đảo Phiêu Linh